Ngày 27/5, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) phối hợp cùng Vụ Kinh tế (Văn phòng Quốc hội), Đại sứ quán Úc tại Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam 2016”
Tại hội thảo, TS. Đặng Kim Khôi – Giám đốc trung tâm tư vấn chính sách thuộc Viện IPSARD cũng có bài tham luận về “Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đối với ngành chăn nuôi Việt Nam”. Ông Khôi đã nhận định, trong thời gian tới, khoảng 7 – 10 năm nữa, khi các cam kết thuế quan đối với ngành chăn nuôi trong các hiệp định thương mại TPP và Việt Nam – EU về 0%, ngành chăn nuôi Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi phải cạnh tranh với rất nhiều ông lớn (Hoa Kỳ, Đan Mạch, Úc, Niu Di Lân…) trong ngành chăn nuôi và có thể sẽ là ngành phải chịu nhiều hi sinh cho các ngành hàng khác trong các hiệp định thương mại. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam trong ngành chăn nuôi phải kể đến là Hoa Kỳ. Việt Nam phải cạnh tranh với Hoa Kỳ ở cả 3 tiểu ngành chăn nuôi Bò, Lợn và Gà. Năm 2014, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Mỹ khoảng 17 triệu USD cho sản phẩm Bò, 1,1 triệu USD cho sản phẩm thịt lợn và 60 triệu USD cho sản phẩm gà.

Ban chủ tọa và diễn giả tại hội thảo
Bên cạnh đó, vấn đề bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn và thách thức do sản lượng thịt được cung cấp chủ yếu bởi các hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ với chuỗi giá trị quá phức tạp và có quá nhiều tác nhân trung gian không cần thiết. Theo số liệu của Tổng cục Thống Kê 2011, quy mô chăn nuôi phổ biến của ngành hàng lợn từ 1- 4 con/hộ, chiếm tới 72% và đối với gà từ 1-19 con/hộ, chiếm tới 55%. Trong khi đó, các doanh nghiệp hoạt động trong ngành chăn nuôi vẫn còn rất ít và quy mô hoạt động rất nhỏ, có tới 99.4% là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ và nhỏ (VCCI, 2014).
Như vậy, sự sống còn của ngành chăn nuôi trong thời gian tới phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phát huy nội lực của ngành và tận dụng các cơ hội mà các FTA mang lại. Bên cạnh đó, sự phát triển của ngành chăn nuôi Việt Nam trong thời gian tới còn được hỗ trợ bởi một vài yếu tố khác như thị hiếu người tiêu dùng thịt của Việt Nam vẫn là thịt nóng và điểm ưa thích mua thịt vẫn là chợ tạm và chợ bán lẻ và hệ thống phân phối thịt đông lạnh chưa được hoàn thiện ở Việt Nam.