CAP cùng đoàn giám sát của KOICA có buổi tham quan mô hình Saemaul Undong tại huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên

Trong khuôn khổ hoạt động tư vấn cho dự án “Hạnh phúc Lào Cai”, ngày 5/5/2016, CAP đã tổ chức và dẫn đoàn chuyên gia giám sát của KOICA đến từ Đại học Chung Buk – Hàn Quốc đi thăm mô hình Nông thôn mới thành công ở Huyện Phú Lương – Tỉnh Thái Nguyên .

Tham gia đoàn gồm có Giáo sư Park Jongsup, Bà Cho Eun Ji - Đại học chung Buk Hàn Quốc, Bà Ngô Phương Dung và Ông Kwak Yeong Cheol – Cán bộ chương trình hạnh phúc Lào Cai, và Bà Bùi Thị Việt Anh - Cán bộ nghiên cứu Trung tâm. Đoàn công tác đã nhận được sự phối hợp và hỗ trợ nhiệt tình của Ông Trần Nho Hưởng – Phó chánh văn phòng Nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên và các cán bộ văn phòng NTM, các lãnh đạo và cán bộ của huyện Phú Lương xã Cổ Lũng – Huyện Phú Lương trong quá trình trao đổi, làm việc và tham quan mô hình.

Chia sẻ với đoàn công tác, Ông Trần Nho Hưởng cho biết Huyện Phú Lương là một huyện khá thành công trong quá trình vận động, tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới. Chương trình Nông thôn mới là chương trình có tính xã hội hóa cao, huy động nguồn lực xã hội (vốn của người dân, nhà nước, doanh nghiệp) và đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Đồng thời, đây là chương trình thực sự có nhiều ý nghĩa cho cộng đồng, do đó nhận sự tham gia tự nguyện và đóng góp nội lực cao của người dân (hiến đất, đóng góp làm đường, xây dựng nhà văn hóa thấp, đóng góp công lao động). Ở Huyện Phú Lương, xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp và nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Nhận thức của đa số cán bộ và người dân đã chuyển biến rõ rệt. Tuy nhiên, hiện nay việc hợp tác trong sản xuất nông nghiệp (ví dụ Chè ở xã Cổ Lũng) và chuyển đổi theo mô hình hợp tác xã kiểu mới trong giai đoạn đầu thực hiện và còn nhiều lúng túng. Các hộ sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ nên khó đưa khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Để phát triển sản xuất hàng hóa quy mô lớn thì rất cần những người sản xuất giỏi và tiên phong để thúc đẩy sản xuất theo hợp tác xã và liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra. Huyện Phú Lương đang kêu gọi các doanh nghiệp tham gia vào tập hợp nông dân để xuất và bao tiêu đầu ra cho nông nghiệp (chè, rau, ...)

.

Ảnh: Đoàn chuyên gia giám sát làm việc tại xã Cổ Lũng – Huyện Phú Lương – Thái Nguyên.

Trao đổi với huyện, Giáo sư Park Jongsup đã chia sẻ kinh nghiệm của Hàn Quốc trong thực hiện mô hình Làng Mới (SMU). Theo giáo sư, yếu tố cốt lõi tạo nên thành công của mô hình SMU tại Hàn Quốc là thay đổi được nhận thức của các cấp (xã, thôn/bản, cộng đồng), phải đào tạo, hướng dẫn người dân có thể tự xây dựng nông thôn mới và phải tham gia một cách chủ động. Trong quá trình thực hiện, cần hướng tới việc i) tăng thu nhập cho người dân, đảm bảo sinh kế; ii) đảm bảo năng lượng trong sản xuất (phương tiện, cơ giới hóa sản xuất), iii) cung cấp nước sạch cho người dân. Đây là mô hình được chỉ đạo từ thời kỳ Tổng thống Park Chung Hee và nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Để triển khai áp dụng mô hình này tại Việt Nam thì cần có những sự điều chỉnh nhất định phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

 

Tin tức