Hội thảo tham vấn “Nghiên cứu các bài học rút ra từ chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam”

Được sự hỗ trợ của tổ chức GIZ, Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp (CAP) – Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (IPSARD) đã tiến hành nghiên cứu “Nghiên cứu các bài học rút ra từ chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam” nhằm mục tiêu đánh giá lại quá trình phát triển của bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam, đánh giá những thành tựu và hạn chế của bảo hiểm nông nghiệp và sử dụng các mô hình kinh tế lượng để đánh giá tác động của Chương trình Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp theo Quyết định 315/2011/QĐ-TTg đến sinh kế của các hộ nông dân. Từ đó, nghiên cứu đưa ra các đề xuất chính sách cho chính phủ Việt Nam cũng như các nước Đông Nam Á nhằm phát triển một thị trường bảo hiểm nông nghiệp hiệu quả và bền vững.

Nhằm trình bày kết quả nghiên cứu và thu thập ý kiến đóng góp của các chuyên gia và các bộ ban ngành liên quan, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn đã tổ chức hội thảo Nghiên cứu các bài học rút ra từ chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam”, vào hồi 13h30-17h00, thứ Năm, ngày 02 tháng 3 năm 2017.

Đến tham gia hội thảo có đại diện của nhà tài trợ (GIZ), đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài Chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, đại diện các công ty bảo hiểm, đại diện một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và nhóm nghiên cứu. Ngoài ra, hội thảo còn có bài trình bày của Phó giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Anh, giảng viên khoa Kinh tế trường Đại học Nha Trang.

Mở đầu buổi hội thảo, anh Thái Văn Tình đã thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày các thông tin tổng quan về tình hình thực hiện bảo hiểm nông nghiệp trên thế giới, quá trình phát triển của bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam đến trước khi có chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Anh Tình cũng trình bày quá trình thực hiện chương trình thí điểm bảo nông nghiệp tại Việt Nam, các kết quả chương trình đã đạt được và những hạn chế của chương trình.

Tiếp theo bài trình bày của anh Thái Văn Tình, anh Đỗ Huy Thiệp tiếp tục thay mặt nhóm nghiên cứu trình bày kết quả phân tích tác động của chương trình thí điểm bảo hiểm ở cấp độ nông hộ, tập trung vào 2 ngành trồng trọt và chăn nuôi. Các thông tin cho phần đánh giá này được tính toán từ số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu với 300 hộ nông dân trên địa bàn 2 tỉnh Đồng Tháp và Vĩnh Phúc. Sử dụng phương pháp Điểm xu hướng (Propensity Score Matching) và Khác biệt trong khác biệt (Differences in Different), kết quả cho thấy chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp có tác động rõ rệt đến sinh kế của các hộ nông dân chăn nuôi tại Vĩnh Phúc trong khi tác động của chương trình lên các hộ trồng lúa tại Đồng Tháp là không đáng kể.

Bài trình bày cuối cùng của buổi hội thảo là bài trình bày của PGS. TS. Nguyễn Thị Kim Anh với nội dung đánh giá tác động của chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đến ngành Thủy sản và các bài học được rút ra. Nội dung của bài trình bày được tóm tắt từ báo cáo “Bảo hiểm thủy sản tại Việt Nam: Kinh nghiệm từ chương trình thí điểm” do bà Kim Anh thực hiện cho tổ chức FAO năm 2016. Mặc dù có nhiều ý kiến muốn ngừng thực hiện bảo hiểm thủy sản trong giai đoạn tiếp theo nhưng bà Kim Anh vẫn muốn chính phủ tiếp tục thực hiện thí điểm bảo hiểm cho ngành này nhưng với phạm vi nhỏ hơn để có thể giám sát chặt chẽ hơn hoạt động sản xuất của nguoiwf dan.

Dưới sự chủ trì của tiến sĩ Trần Công Thắng, phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn, buổi hội thảo đã diễn ra thành công tốt đẹp và nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp từ phía các đại biểu. Hầu hết các đại biểu đều nhất trí rằng việc hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho người dân sẽ có những hệ lụy bất lợi và trong giai đoạn tiếp theo, nhà nước nên tập trung nhiều hơn vào các hộ có quy mô lớn với mức hỗ trợ phù hợp. Đại biểu của tổ chức Oxfam bày tỏ quan ngại về tính tổn thương của các hộ nông dân sản xuất nhỏ khi không còn được bảo hiểm, tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng trả lời khuyến nghị của nhóm đề xuất thay bảo hiểm nông nghiệp bằng các hình thức hỗ trợ rủi ro trực tiếp hoặc gián tiếp khác có hiệu quả hơn.

Đại diện của GIZ Việt Nam và Tổ chức Phát triển Thụy Sĩ bày tỏ sự quan tâm đến việc áp dụng công nghệ vào bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt là bảo hiểm chỉ số. Vấn đề này đã được đề cập trong báo cáo của nhóm nghiên cứu nhưng chưa đề cập chi tiết, thay mặt nhóm, anh Đỗ Huy Thiệp cũng nêu những khó khăn của việc áp dụng bảo hiểm chỉ số khi nhận thức của người dân về loại hình bảo hiểm này còn thấp, bên cạnh đó, các thông tin công bố có thể sẽ xung đột với các thông tin thống kê do các cơ quan chính thống cung cấp.

Đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cho biết chính phủ Việt Nam hiện đang đẩy mạnh phát triển BHNN trong thời gian tới. Bản dự thảo quyết định tiếp tục chương trình hiện đã được gửi tới các doanh nghiệp để lấy ý kiến và dự định sẽ được chính phủ vào cuối quý 2 của năm 2017. Trước đó, nhóm nghiên cứu dự kiến sẽ xây dựng bản tóm lược chính sách để gửi tới các ban ngành liên quan.

Dưới đây là một số hình ảnh tại buổi hội thảo:

 

 

 

 

Tin tức