Hội thảo “Năng lực ứng phó của người dân với Biến đổi khí hậu ”

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất nông nghiệp và đời sống của hàng triệu nông dân khu vực Đông Á và Đông Nam Á. Do vậy, nông dân trong vùng đang phải lựa chọn cách thức để ứng phó với BĐKH. Nếu không có các biện pháp ứng phó thích hợp, họ có nguy cơ sẽ rơi vào tình trạng đói nghèo. Tuy nhiên, ngay cả khi ra được quyết định hành động thì hành vi ứng phó của nông dân với BĐKH cũng có thể bị bóp méo do thiếu thông tin và các khiếm khuyết của thị trường.

Trên thực tế, sự khác nhau trong nhận thức của mỗi nông dân đối với BĐKH sẽ ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn ứng phó của mỗi người. Hơn nữa, chi phí của từng biện pháp ứng phó cũng khác nhau và có những biện pháp ứng phó vượt ngoài khả năng tài chính của nhiều hộ nông dân. Do vậy, rất cần sự can thiệp của Chính phủ trong trường hợp nông dân không có khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu vì thiếu kiến thức và/hoặc chi phí cho các biện pháp ứng phó rất cao. Việc lựa chọn để tìm ra can thiệp phù hợp cần phải dựa trên những phân tích thực chứng về hành vi, năng lực ứng phó, và kèm theo đó là tính tổn thương và khả năng chống chịu của nông dân đối với BĐKH. Điều này đặc biệt quan trọng cho những vùng nhạy cảm và có vai trò chiến lược về mặt kinh tế, chính trị, xã hội và môi trường như Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam.

Được sự tài trợ của Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Australia (ACIAR), dự án “Đánh giá khả năng ứng phó của nông dân với BĐKH – các lựa chọn chính sách” đã được thực hiện ở Việt Nam và Trung Quốc, tập trung vào các vấn đề khoa học xã hội trong quá trình nghiên cứu BĐKH và các tranh luận chính sách cho BĐKH ở cả 2 nước, từ đó đưa ra những gợi ý chính sách nhằm nâng cao năng lực ứng phó của người dân đối với BĐKH.

Dự án đã tổ chức điều tra lặp cấp nông hộ trên quy mô đủ lớn ở Việt Nam và Trung Quốc. Tại Việt Nam, 3 cuộc điều tra được tiến hành vào cuối năm 2012, đầu năm 2015 và giữa năm 2016 trên địa bàn 3 tỉnh (Bến Tre, Trà Vinh và Bình Định) với quy mô gần 700 hộ, cung cấp một bộ dữ liệu liệu duy nhất và đầy đủ nhất các thông tin chi tiết về tác động và ứng phó với BĐKH của người dân trong khoảng thời gian 6 năm (2010-2016). Tại Trung Quốc, điều tra với nội dung tương tự cũng được tiến hành trong 2 năm 2012 và 2013 ở 9 tỉnh, với quy mô 3240 hộ. Sau đó, dự án đã tiến hành một loạt nghiên cứu định lượng, từ sử dụng phương pháp thống kê mô tả và kinh tế lượng, đến xây dựng các mô hình cân bằng từng phần (CAPSim và GTAP) để đánh nhận thức và khả năng ứng phó với BĐKH của hộ nông dân cũng như những tác động của BĐKH trong ngắn hạn và dài hạn đến năng suất và xuất khẩu các ngành hàng nông nghiệp chính của Việt Nam và Trung Quốc.

Kết quả nghiên cứu cho thấy BĐKH ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc. Các hiện tượng thời tiết cực đoan làm giảm năng suất cây trồng, ảnh hướng đến giá nông sản và do đó giảm hệ số co giãn cung với giá. Ở cả hai nước, bên cạnh những can thiệp của Nhà nước, cộng đồng và hộ nông dân cũng đã chủ động ứng phó với BĐKH thông qua các giải pháp công trình và phi công trình. Những hoạt động ứng phó với BĐKH này đã mang lại hiệu quả nhất định trong cả ngắn hạn và dài hạn. Tuy nhiên, việc ra quyết định ứng phó, lựa chọn giải pháp ứng phó và hiệu quả thực hiện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như nhận thức của người dân, tài sản của hộ, quy mô canh tác, lợi ích kinh tế của từng giải pháp ứng phó cũng như các chính sách hỗ trợ và điều kiện cơ sở hạ tầng của địa phương.

Ở cấp trung ương, Chính phủ của hai nước đều tập trung xây dựng hệ thống thủy lợi (hồ chứa, đập), tăng cường hệ thống quan trắc, thông tin cảnh báo và truyền thông; hỗ trợ kỹ thuật, tài chính và hiện vật. Ở cấp địa phương, việc ứng phó thường được tập trung vào xây dựng/củng cố hệ thống thủy lợi, hồ chứa, đê đập, hệ thống tưới tiêu và tăng cường năng lực thông qua các tổ chức cộng đồng. Ở cấp nông hộ, một số biện pháp phổ biến được áp dụng ở cả hai quốc gia bao gồm cải tạo hệ thống thủy lợi, thay đổi lịch thời vụ, chuyển đổi giống cây trồng, chuyển đổi hệ thống nông nghiệp từ trồng trọt sang chăn nuôi hoặc chuyển sang các hoạt động phi nông nghiệp, đi làm ăn ở nơi khác. Ngoài ra, cũng có một số biện pháp ứng phó đặc thù của từng nước. Ví dụ như canh tác trong nhà kính, ứng dụng các mô hình kỹ thuật cao tiết kiệm nước và tham gia bảo hiểm nông nghiệp tại Trung Quốc; hay bơm nước rửa mặn, làm sạch mặt ruộng ở Việt Nam. Các giải pháp ứng phó này được áp dụng thường xuyên hơn trong những năm có thiên tai so với năm có điều kiện bình thường. Tuy nhiên, ở Việt Nam giải pháp ứng phó mới chỉ mang lại hiệu quả trong điều kiện thiên tai nhẹ nhưng chưa đủ để ứng phó với thiên tai lớn.

Dựa trên các kết quả điều tra, dự án đã đưa các gợi ý chính sách nhằm nâng cao năng lực ứng phó với BĐKH ở cấp nông hộ cho cả hai nước. Chính quyền các cấp nên tập trung nỗ lực hơn nữa vào giảm thiểu ảnh hưởng của các hiện tượng thời tiết cực đoan thông qua việc đánh giá năng lực ứng phó hiện có để lồng ghép vào kế hoạch hành động quốc gia về ứng phó với BĐKH. Cần chú trọng tới việc nâng cao nhận thức người dân về BĐKH và hiệu quả của các biện pháp ứng phó, ví dụ nâng cấp chất lượng hệ thống thông tin cảnh báo sớm, hoặc hỗ trợ kỹ thuật ứng phó khi có thiên tai xảy ra. Bên cạnh đó, việc nâng cấp hệ thống thủy lợi, cơ sở hạ tầng của địa phương cũng là những giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực ứng phó BĐKH của các hộ nông dân. Tại Trung Quốc, những gợi ý chính sách nhấn mạnh đến việc  quan tâm nhiều hơn cho các đối tượng có ít năng lực trong ứng phó với BĐKH. Trong khi đó, Việt Nam nên đặt trọng tâm vào phát triển hệ thống nông nghiệp thông minh, ứng dụng công nghệ cao để ứng phó với BĐKH.

Nhóm nghiên cứu của cả hai nước cũng đề xuất cần có thêm những nghiên cứu tiếp theo để đánh giá cụ thể chi phí lợi ích của từng dự án đầu tư ứng phó BĐKH để hỗ trợ việc chuẩn bị, thiết kế trước khi triển khai các dự án này. Riêng đối với Việt Nam, nên áp dụng phương pháp tương tự để tiến hành nghiên cứu cho các vùng khác trong cả nước; kết hợp các hoạt động nghiên cứu hộ với nghiên cứu thị trường, các hoạt động can thiệp kết nối doanh nghiệp với hộ nông dân; nghiên cứu để đưa bảo hiểm nông nghiệp như một biện pháp giảm thiểu rủi ro cho các hộ nông dân. Hơn nữa, các nghiên cứu về định giá nước hay các mô hình nông nghiệp thông mình là thực sự cần thiết trong xây dựng kế hoạch phát triển ngành nông nghiệp một cách bền vững trong điều kiện BĐKH ngày càng phức tạp.

Một số hình ảnh tại hội thảo:

Tin tức