Trong thời gian từ ngày 30 tháng Năm đến ngày 3 tháng Sáu năm 2016, FAO đã phối hợp cùng IFAD tổ chức chương trình tập huấn Nâng cao năng lực hoạch định và triển khai chính sách giảm nghèo với sự tham gia của đoàn học viên của bốn nước Lào, Cambodia, Nepal và Việt Nam.
Các học viên tham dự chương trình đều là những cán bộ đang trực tiếp tham gia vào quá trình hoạch định và triển khai chính sách nông nghiệp, nông thôn tại quốc gia của mình. Đoàn học viên của Việt Nam gồm 6 người, trong đó Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp (CAP) cử hai cán bộ tham gia là bà Bùi Thị Việt Anh và ông Nguyễn Minh Cường, cả hai đều có trình độ thạc sỹ và có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực nghiên cứu và tư vấn chính sách nông nghiệp. Danh sách giảng viên bao gồm TS. Pedro Marcelo (chuyên gia FAO), TS. Marlo Ranking (chuyên gia FAO), TS. Thilak Mallawaarachchi (ĐH Queensland, Úc).

Ảnh : Đoàn học viên Việt Nam cùng giảng viên chụp ảnh lưu niệm
Cấu trúc của chương trình được thiết kế khá phù hợp với nhu cầu thực tế của học viên. Trong ngày học đầu tiên, chủ đề thảo luận là cách thức để chuyển một nghiên cứu thành một thông điệp chính sách và hội nhập thị trường với nông dân nhỏ. Chủ đề ngày thứ hai là việc hợp tác công tư (PPP) trong lĩnh vực nông nghiệp và tính sẵn sàng của hệ thống pháp lý hiện tại cho PPP nông nghiệp. Ngày thứ ba, các học viên thảo luận một vấn đề khá thực tế là xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa bền vững xuyên biên giới trong bối cảnh hội nhập thị trường toàn cầu. Ngày thứ tư, các học viên và giảng viên cùng thảo luận về chính sách giảm nghèo bao hàm, trong đó có sự tham gia tích cực của những hộ nông dân nhỏ.
Ngày thứ năm là ngày thực địa, toàn bộ học viên và giảng viên được đi tham quan một trong những mô hình giảm nghèo thành công của xã Sóc Sơn, huyện Đông Anh, Hà Nội (Hà Tây cũ) đó là mô hình hợp tác xã nấm Sáng Thiện. Với số vốn khởi nghiệp 80 triệu đồng, đến nay hợp tác xã đã có doanh thu hàng năm khoảng 3 tỷ, tạo công ăn việc làm cho khoảng 30 lao động. Các học viên đã đặt nhiều câu hỏi và thu nhận được những kinh nghiệm quý báu từ việc triển khai một mô hình giảm nghèo tại Việt Nam.

Ảnh : Các học viên rất hào hứng với chuyến thăm quan vịnh Hạ Long
Chương trình khép lại với chuyến tham quan Vịnh Hạ Long, một trong những kỳ quan thiên nhiên của Việt Nam đã được UNESCO công nhận. Xuyên suốt chương trình, đoàn Việt Nam nói chung và cán bộ Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp nói riêng luôn tích cực và chủ động trong vị thế chủ nhà với việc tích cực tham gia vào đóng góp ý kiến trên lớp học, đưa các đoàn đi tham quan và khám phá văn hóa Việt Nam bên ngoài lớp học. Các học viên nước ngoài đều bày tỏ sự hài lòng với chương trình đào tạo và có ấn tượng tốt đẹp với đất nước và con người Việt Nam.