Một trong những nội dung quan trọng của Chương trình MTQG xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 là phát huy mạnh mẽ vai trò tham gia của cộng đồng dân cư nông thôn cấp thôn, bản. Để thực hiện nội dung này, Chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng NTM giai đoạn 2016 – 2020 đã xây dựng hợp phần đào tạo "Bồi dưỡng kỹ năng phát triển cộng đồng" cho nhóm đối tượng chính là Ban phát triển thôn.
Đây là một công việc rất phù hợp với yêu cầu thực tế trong xây dựng NTM hiện nay, bởi Ban phát triển thôn chính là những người gần gũi nhất, sâu sát nhất với người dân. Tuy nhiên, uy tín và sự nhiệt tình của Ban phát triển là chưa đủ để lãnh đạo cộng đồng thực hiện các kế hoạch phát triển thôn, bản. Ban phát triển thôn cần được bồi dưỡng, nâng cao năng lực để biết cách tự đánh giá hiện trạng, lập kế hoạch khả thi, tổ chức thực hiện kế hoạch, huy động nội lực, giám sát – đánh giá và một số kỹ năng "mềm" như tuyên truyền – vận động, tổ chức cuộc họp, giải quyết xung đột, xây dựng sự đồng thuận…
Trong chương trình hợp tác giữa Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (CAP) với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), CAP đã hoàn thiện bộ tài liệu hướng dẫn "Nâng cao năng lực Phát triển cộng đồng cho Ban phát triển thôn" để sử dụng cho các khóa tập huấn cán bộ thôn trong Chương trình Hạnh phúc Lào Cai. Những nội dung cần quan tâm trong nâng cao năng lực cho cán bộ cấp thôn đối với hoạt động phát triển cộng đồng được giới thiệu trong tài liệu này rất phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay của Chương trình MTQG xây dựng NTM, đặc biệt là những bài học kinh nghiệm trong thay đổi tư duy, nhận thức của người dân và người lãnh đạo cộng đồng theo tinh thần "cần cù, tự lực, hợp tác" của Phong trào Làng mới (Saemaul Undong) những năm 1970 ở Hàn Quốc.
Tài liệu được chia thành 02 phần chính:
- Phần 1 giới thiệu về những bài học kinh nghiệm từ Phong trào Làng mới có thể áp dụng đối với thực tiễn xây dựng NTM ở Việt Nam, trong đó nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người lãnh đạo cộng đồng và sự cần thiết phải thay đổi tư duy, ý chí của người dân. Để người học, người đọc dễ tiếp thu và cảm nhận, trong phần này còn giới thiệu một câu chuyện có thực từ lời kể của một người lãnh đạo làng về quá trình tổ chức cộng đồng cùng nhau vượt qua những khó khăn, thách thức, đi đến thành công với một niềm tin "nếu làm thì sẽ được – chúng ta có thể làm được".
- Phần 2 gồm 07 bài học cụ thể và thiết thực đối với Ban phát triển thôn, gồm:
o Bài 1: Vai trò và trách nhiệm của người lãnh đạo cộng đồng
o Bài 2: Kỹ năng tuyên truyền, vận động cộng đồng
o Bài 3: Kỹ năng tổ chức, điều hành cuộc họp
o Bài 4: Kỹ năng giải quyết mâu thuẫn và xây dựng sự đồng thuận trong cộng đồng
o Bài 5: Kỹ năng phân tích, đánh giá nội lực cộng đồng
o Bài 6: Kỹ năng lập kế hoạch phát triển thôn
o Bài 7: Kỹ năng tổ chức thực hiện và theo dõi, đánh giá các hoạt động phát triển thôn
Các nội dung trong tài liệu này không chỉ áp dụng đối với các thôn thí điểm thuộc Chương trình Hạnh phúc Lào Cai mà hoàn toàn có thể sử dụng cho mọi thôn, bản, ấp ở các vùng miền khác nhau trên cả nước. Bên cạnh đó, CAP còn sở hữu một số video/audio giới thiệu những câu chuyện thành công trong phát triển cộng đồng trong nước và quốc tế. Những công cụ trực quan này sẽ giúp người học dễ tiếp thu hơn, nhất là đối với cán bộ cấp thôn.
Tác giả : Th.S. Nguyễn Ngọc Luân (Chủ biên)
TS. Đăng Kim Sơn (Chuyên gia tư vấn)
Th.S. Thái Văn Tình
Th.S. Lê Trường Giang
Dự án: Chương trình hạnh phúc Lào Cai