Đầu tư cho Nông nghiệp và Người nông dân sản xuất nhỏ: Hiện trạng, hiệu quả, tác động và khuyến nghị

BỐI CẢNH

Bên cạnh vấn đề đói nghèo, dịch bệnh và chiến tranh, đảm bảo an ninh lương thực là một trong những thách thức lớn nhất của nhân loại, một vấn đề tưởng như đã là câu chuyện của thế kỷ trước. Theo dự báo của Liên hợp quốc, đến năm 2050, dân số thế giới sẽ vượt ngưỡng 9,6 tỷ người. Điều đó đòi hỏi sản xuất nông nghiệp sẽ cần phải tăng 70% mới có thể đáp ứng nhu cầu vào thời điểm đó. Muốn tăng được năng suất, giải pháp khoa học và công nghệ là ưu tiên hàng đầu nhưng thế giới lại có tới 1,3 tỷ nông hộ nhỏ những hộ thường phải đứng ngoài sự phát triển của khoa học và công nghệ trong nông nghiệp.

Có một nghịch lý tồn tại trên toàn thế giới, phổ biến qua rất nhiều năm liên quan tới đầu tư trong nông nghiệp. So sánh với các ngành khác cho thấy, đầu tư trong nông nghiệp luôn ở mức thấp nhất nhưng lại luôn bị đòi hỏi mang lại những lợi ích, giá trị lớn nhất. Tại Việt Nam, trong giai đoạn 1997-2002, chi tiêu công cho nông nghiệp trung bình chỉ chiếm 6% nhưng nông nghiệp lại đóng góp tới 22% vào tăng trưởng GDP. Do đó, sau khi có Nghị quyết 26-NQ/TƯ, chi tiêu công cho nông nghiệp đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Xét chung cả giai đoạn, tỷ trọng đầu tư công vào nông nghiệp tiếp tục có xu hướng giảm, giai đoạn sau 2010 chỉ trên dưới 6%, giảm hơn ½ so với giai đoạn 1996-2000.

Cho tới nay, đã có một số nghiên cứu trong nước và quốc tế về các khía cạnh liên quan đến đầu tư trong nông nghiệp, nông thôn ở Việt Nam trong một số năm và xem xét, đánh giá hiệu quả đầu tư. Mặc dù vậy, chưa có một bộ chỉ tiêu, khung phân tích nào và một nghiên cứu tổng thể nào để đánh giá hiệu quả đạt được từ các chính sách đầu tư vào nông nghiệp được thực hiện từ góc độ tiếp cận trực tiếp đến mức độ hưởng lợi của các hộ nông dân, nhất là các hộ nông dân sản xuất nhỏ. Do đó, rất cần thiết để tiến hành một nghiên cứu nhằm đánh giá toàn diện về bức tranh đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh nền nông nghiệp Việt Nam đứng trước thách thức về biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế quốc tế.

MỤC TIÊU NGHIÊN CỨU

Mục tiêu của nghiên cứu là thông qua việc trả lời câu hỏi bao trùm của chủ đề nghiên cứu:

Quyền và lợi ích của nông dân được đảm bảo và thúc đẩy như thế nào trong lĩnh vực đầu tư cho Nông nghiệp ở Việt Nam?”, giải quyết được các nhiệm vụ nghiên cứu tổng quát sau:

(i)                 Tìm hiểu tổng quan chính sách và hiện trạng đầu tư cho Nông nghiệp ở Việt Nam (gồm cơ cấu đầu tư);

(ii)               Phân tích và đánh giá hiệu quả đầu tư;

(iii)             Tác động tới người nông dân sản xuất nhỏ; từ đó

(iv)             Đưa ra các giải pháp thực tiễn giúp cải thiện quản trị nhà nước và sự hưởng lợi của người dân đối với các quyền được Pháp luật và xã hội thừa nhận.

Ảnh: Nhóm nghiên cứu làm việc tại UBND xã Đông Phương, Huyện Đông Hưng, Tỉnh Thái Bình

Tin tức