Xây dựng đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tích tụ đất đai và giải quyết lao động nông thôn tỉnh Thái Bình đến 2020 tầm nhìn 2030

Là tỉnh sản xuất nông nghiệp trọng điểm của Đồng bằng sông Hồng (ĐBSH) và của Việt Nam, Thái Bình cũng đã có những thành tựu đáng kể trong sản xuất nông nghiệp. Tăng trưởng nông nghiệp của Thái Bình trong 5 năm qua đạt bình quân 4,1%/năm. Sản lượng lương thực trung bình của tỉnh đạt trên 1 triệu tấn/năm. Năng suất lúa gạo của Thái Bình cao nhất trong cả nước với bình quân đạt trên 13 tấn/ha. Cơ cấu giống cây trồng được chuyển dịch theo hướng năng suất, chất lượng cao, một số diện tích trồng lúa kém hiệu quả được chuyển sang nuôi trồng các loại cây, con có giá trị kinh tế cao hơn. Ngành chăn nuôi Thái Bình cũng phát triển mạnh, số đầu lợn của tỉnh đạt xấp xỉ 1,04 triệu con, xuất khẩu lợn sữa của tỉnh lớn nhất trong cả nước. Thủy sản là ngành có mức tăng trưởng cao và ổn định nhất, đạt bình quân 11%/năm trong 5 năm gần đây. Sản lượng ngao của Thái Bình đạt trên 70 ngàn tấn chiếm gần 50% sản lượng của cả nước.

Bên cạnh những thành công của khu vực nông nghiệp thì Thái Bình cũng có những hạn chế và cần có những định hướng tái cơ cấu mới nếu muốn duy trì tốc độ tăng trưởng và phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng của ngành trồng trọt trong những năm gần đây rất thấp chỉ đạt 0,1%/năm trong 3 năm gần đây. Tăng trưởng khu vực chăn nuôi cũng chưa có đột phá. Thủy sản có tốc độ tăng trưởng tốt nhưng còn nhiều bất ổn ở cả khâu sản xuất và thị trường đầu ra. Tốc độ chuyển nông nghiệp sang sản xuất hàng hoá quy mô lớn chậm, việc hình hình các vùng sản xuất hàng hoá quy mô lớn, vùng chuyên canh có hiệu quả cao chưa nhiều. Đầu tư vào khu vực nông nghiệp rất hạn chế, còn vắng bóng các doanh nghiệp đầu rồng trong ngành nông nghiệp. Công tác chế biến nông sản còn yếu kém, sản phẩm bán vẫn chỉ là sản phẩm thô, giá thấp. Liên kết giữa người sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm lỏng lẻo.Công tác sản xuất giống cây trồng, vật nuôi còn nhiều bất cập nhiều khi không chủ động được nguồn giống, mùa vụ nuôi thuỷ sản (đặc biệt đối với giống chăn nuôi và giống thuỷ sản) trong sản xuất dẫn đến khó kiểm soát được chất lượng con giống, chi phí sản xuất tăng cao, hiệu qủa kinh tế giảm. Cơ sở hạ tầng và dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp mặc dù đã được đầu tư, nâng cấp, cải tạo nhưng vẫn thiếu, chưa đồng bộ nhất là hạ tầng thuỷ lợi, cơ sở sản xuất giống thuỷ sản, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão.

Xuất phát từ thực tế phát triển của ngành nông nghiệp của tỉnh Thái Bình, định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp của đất nước, Sở NN và PTNT Thái Bình phối hợp với Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT xây dựng đề án Tái cơ cấu Nông nghiệp của tỉnh. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Thái Bình đưa ra những căn cứ, định hướng nhằm điều chỉnh cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững gắn với tích tụ đất đai và giải quyết lao động nông thôn.

Trong thời gian thực hiện: 2015

Đơn vị tài trợ: Tập đoàn VinGroup

Một số hình ảnh hoạt động

Cán bộ Viện CS&CLPTNNNT làm việc cùng Sở NN và PTNT tỉnh Thái Bình

 

 

Tin tức