Ngày mai (6/6), Viện Chính sách và Chiến lược nông nghiệp phát triển nông thôn sẽ tổ chức cuộc hội thảo “Thực trạng và nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu nông sản Việt Nam quý 1/2015”, nhằm tháo gỡ khó khăn cho xuất khẩu nông sản thời gian qua.
Theo Trung tâm tư vấn chính sách - Viện chính sách và Chiến lược nông nghiệp phát triến nông thôn (Ipsard), trong những năm qua, xuất khẩu nông sản luôn góp phần quan trọng trong duy trì tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống người dân tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong 3 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực như gạo, cà phê, cao su, thủy sản đã bị suy giảm nghiêm trọng. Điều này đã tác động xấu đến nông nghiệp Việt Nam trong quý I/2015.
Theo đó, đóng góp của nông nghiệp vào tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ 0,33% xuống còn 0,28 %. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2015.
Viện Ipsard đã tiến hành đánh giá nhanh về tình hình và nguyên nhân sụt giảm xuất khẩu, đó là áp lực cạnh tranh xuất khẩu ngày càng mạnh; các nước phá giá đồng tiền; tăng cung, giảm giá thế giới đặc biệt đối với xuất khẩu; cạnh tranh của mặt hàng mới...
Vì vậy, cần có giải pháp xử lý căn cơ để nâng cao khả năng cạnh tranh của xuất khẩu nông sản Việt Nam, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
Tại Hội thảo này, Viện Ipsard sẽ đề xuất các định hướng sản xuất như phát triển lúa chất lượng cao, giá trị cao, đẩy mạnh việc triển khai tái canh cà phê, kiểm soát tăng trưởng diện tích cao su. Đồng thời, sẽ đánh giá lại cân đối cung - cầu ngành thủy sản, kiểm soát cung cá tra, đẩy mạnh phát triển cá rô phi...
Ngoài ra sẽ đề cập đến chính sách vĩ mô như có cơ chế điều chỉnh tỷ giá linh hoạt hơn để duy trì khả năng cạnh tranh của xuất khẩu nông sản trong dài hạn. Trong ngắn hạn, nếu cần tiếp tục ổn định tỷ giá để duy trì các cân đối vĩ mô, cần có cơ chế bù đắp cho xuất khẩu nông sản (giảm thuế VAT, giảm thuế thu nhập DN, nới rộng định mức tín dụng, hỗ trợ lãi suất, hoãn nợ, hỗ trợ nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới, hỗ trợ phí vận chuyển...).
Đồng thời cải thiện hạ tầng giao thông bằng cách nối giữa các vùng chuyên canh nông nghiệp chính với các đô thị, hải cảng, cửa khẩu cả bằng đường bộ cao tốc, đường sắt chất lượng cao và đường thủy./.