Trong 2 ngày 24 - 25/3, tại TP.HCM, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (IPSARD) phối hợp với Tổ chức Lương nông Thế giới (FAO) tổ chức hội thảo Triển vọng thị trường ngành nông nghiệp Việt Nam.
Đây là sự kiện lần đầu tiên cho toàn ngành nông nghiệp được tổ chức tại Việt Nam.Hội thảo đã tập trung vào 3 ngành hàng chính có thế mạnh xuất khẩu và có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh lương thực và đời sống đại đa số nông dân Việt Nam, đó là ngành lúa gạo, cà phê và chăn nuôi.
Hội thảo cũng đã dành được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp, hiệp hội, cộng đồng kinh doanh trong và ngoài nước; các nhà hoạch định chính sách phát triển ngành nông nghiệp của Chính phủ và Bộ ngành.
Phát biểu tại hội thảo TS Đặng Kim Sơn - viện trưởng IPSARD- cho biết năm 2008 là năm chứng kiến sự phát triển đột phá của ngành nông nghiệp với mức tăng trưởng toàn ngành đạt 3,79%. Trong khi kinh tế khó khăn do khủng hoảng tài chính, tất cả các ngành khác đều vỡ kế hoạch thì nông nghiệp lại là ngành duy nhất vượt kế hoạch với giá trị sản xuất tăng 5,6%.Tuy nhiên, TS Sơn cho biết nông nghiệp chính là ngành ít được đầu tư nhất trong nền kinh tế.
Cũng tại hội thảo ông Nestor Osorio - Giám đốc điều hành Tổ chức Cà phê thế giới - cho rằng năm 2009 sản lượng cà phê thế giới sẽ thấp hơn mức tiêu thụ khoảng 13 triệu bao. Cụ thể, nhu cầu cà phê thế giới khoảng 138 triệu bao trong khi sản lượng toàn cầu đạt dự báo chỉ 125 triệu bao. Tuy nhiên, ông Osorio cho biết lượng cà phê tồn kho từ năm 2008 ước đạt 20-22 triệu bao sẽ bù đắp vào lượng thiếu hụt. Mức cầu cà phê liên tục tăng từ 1,7-2,5% từ năm 2000-2008 và tiếp tục trong năm nay. Do đó, giá cà phê sẽ ổn định trong vài năm tới. Tuy nhiên, ông Osorio nhấn mạnh do biến động của các yếu tố kinh tế mà giá cà phê trên thị trường có thể trồi sụt trong ngắn hạn.
TS Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, Việt Nam đang là quốc gia đứng thứ 2 thế giới về sản lượng cà phê với hơn 996 ngàn tấn/năm, giá trị xuất khẩu năm 2008 trên 2,11 tỷ USD, tăng gấp 4 lần so năm 2003. Tuy nhiên, ngành cà phê bộc lộ nhiều hạn chế như: diện tích có cây che bóng rất thấp chỉ chiếm 5%, khiến chi phí tưới nước, đầu tư thuốc bảo vệ thực vật tăng; phát triển chưa theo quy hoạch; khả năng cạnh tranh so các nước hạn chế; chất lượng chưa cao; bán giá thấp… Để phát triển bền vững, Cục Trồng trọt cho rằng, cần nâng cao vị thế cạnh tranh của ngành cà phê bằng cách gia tăng giá trị; tạo chất lượng ổn định và tăng uy tín giao dịch.