Rà soát các cam kết giảm thuế đối với hàng hóa trong môi trường APEC

Trong 2 ngày 8 và 9 tháng 9, Vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tài chính đã tổ chức hội thảo Rà soát các cam kết giảm thuế đối với hàng hóa trong môi trường APEC tại Đồ Sơn – Hải Phòng. Đồng chí Hà Duy Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ HTQT chủ trì hội thảo cùng với sự tham gia của đại diện nhiều bộ, ban ngành, cơ quan nghiên cứu có liên quan.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày sơ bộ báo cáo của dự án, một số bài tham luận của các chuyên gia và nhiều ý kiến từ nhiều góc nhìn khác nhau về cam kết giảm thuế hàng hóa môi trường trong APEC và những bài học, kiến nghị nâng cao hiệu quả.

Theo báo cáo tại hội thảo, hàng hóa môi trường đã được nhiều tổ chức, hiệp ước kinh tế quan tâm, đàm phán như một hướng đi để thúc đẩy kinh tế xanh. Đến nay mới chỉ có APEC đã thông qua được danh mục 54 loại hàng hóa theo mã HS 6 số được gọi là hàng hóa môi trường và cam kết cắt giảm thuế xuống dưới 5%. Mặc dù, cam kết này không có tính ràng buộc pháp lý nhưng đến nay hầu hết các nuóc đều đã thực hiện xong hoăc có kế hoạch cắt giảm. Điều này cho thấy những dấu hiệu tích cực về việc hình thành thị trường hàng hóa môi trường. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng trong 54 danh mục hàng hóa môi trường được APEC thông qua có rất ít các loại hàng hóa thực sự liên quan trực tiếp đến môi trường; danh mục thông qua là 54 mã HS 6 số trong khi mỗi nước có bảng mã HS 8 số khác nhau dẫn đến sự không thống nhất trong các mặt hàng giảm thuế cụ thể; Các mặt hàng trong danh mục hầu hết thuế suất đều đã dưới mức cam kết nên không có nhiều tác động thực tế.

Phát biểu tại hội thảo, ông Phạm Đức Thịnh – Nghiên cứu viên Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp – Viện CS&CLPTNNNT đánh giá cao kết quả nghiên cứu của dự án, nhấn mạnh báo cáo là một trong số những công trình khoa học chuyên sâu tiên phong về hàng hóa môi trường tại Việt Nam.

Ông Thịnh cho rằng:”Kinh tế xanh, phát triển bền vững đang là xu thế chung của thế giới, trong tương lai sẽ  không chỉ là 54 danh mục hàng hóa môi trường như APEC đã thông qua mà có thể nhiều hơn thế. Chúng ta cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu khác xây dựng danh mục hàng hóa môi trường riêng của Việt Nam- hướng tới các sản phẩm Việt Nam có lợi thế xuất khẩu- với cơ sở khoa học rõ ràng tạo tiền đề cho những đàm phán về thuế quan hàng hóa môi trường sau này. Đặc biệt, các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp hoàn toàn có tiềm năng trở thành hành hóa môi trường, tuy nhiên cần có những nghiên cứu để cụ thể tiềm năng ấy.” Ngoài ra, ông Thịnh cũng đề nghị nhóm nghiên cứu xem xét bổ sung vai trò của Bộ nông nghiệp trong việc xác định danh mục hàng hóa môi trường.

Kết thúc hội thảo, ban tổ chức đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu và sẽ nghiêm túc tiếp thu chỉnh sửa, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu.

Ảnh: Đồng chí Hà Duy Tùng - Phó Vụ trưởng vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Tài chính chủ trì hội thảo 

Ảnh: Các đại biểu tham gia ý kiến tại hội thảo 

Tin tức