Hội thảo phát triển nông nghiệp thông minh với khí hậu ở Việt Nam : thách thức và giải pháp

Sáng ngày 21/12/2015, tại Khách sạn Candle, Vụ khoa học công nghệ và môi trường – Bộ NN&PTNT phối hợp cùng Mạng lưới các tổ chức Phi chính phủ Việt Nam và Biến đổi khía hậu (VNGO&CC) đã tổ chức “Hội thảo phát triển nông nghiệp thông minh với khí hậu ở Việt Nam : thách thức và giải pháp” do ông Đinh Vũ Thanh – Phó vụ trưởng vụ khoa học công nghệ và môi trường chủ trì.

Tại hội thảo, các đại biểu đã lần lượt được nghe 5 bài trình bày của các diễn giả với các quan điểm, góc nhìn khác nhau về nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) ở Việt Nam. Các bài trình bày đã đề cập đến tình hình phát triển CSA trên thế giới và các nước trong khu vực ASEAN, cập nhật tình hình đàm phát quốc tế về CSA, định hướng các nguồn tài chính cho CSA; nội dung rà soát khung chính sách liên quan đến phát triển CSA; các tiêu chí, mô hình bài học kinh nghiệm và kiến nghị chính sách cho CSA tại Việt Nam.

Sau khi nghe các bài trình bày, các đại biểu đã đưa ra nhiều quan điểm thảo luận xoay quanh những thách thức và giải pháp của CSA tại Việt Nam. Tại phiên thảo luận, Tiến sỹ Đặng Kim Khôi – Giám đốc trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp – Viện CS&CLPTNNNT cũng đã bày tỏ mối quan tâm của mình đối với phát triển CSA ở Việt Nam. Ông đã nêu lên những thách thức và gợi ý một số giải pháp để phát triển CSA ở Việt Nam như : Tăng cường vai trò của nhãn mác môi trường và sinh thái trong tiêu thụ sản phẩm; Phát triển CSA trong cả chuỗi giá trị ngành hàng; Điều phối giữa các ngành hàng; Nên tiếp cận cảnh quan trong phát triển CSA tại Việt Nam, nghĩa là tăng cường sự hợp tác liên vùng, liên ngành. Quan điểm này đã nhận được sự đồng tình và đánh giá cao của các đại biểu tham dự hội thảo.

Kết thúc hội thảo, ông Đinh Vũ Khanh đã có  phát biểu tổng kết và định hướng cho phát triển CSA ở Việt Nam. Trong đó, ông nhấn mạnh việc xây dựng một dự thảo chính sách và hệ thống hóa các mô hình CSA đã có tạo tiền đề cho việc phát triển CSA tại Việt Nam trong thời gian tới.

“Một mặt phải đáp ứng việc giảm phát thải khí nhà kính, nhưng cái thứ hai quan trọng hơn là người nông dân phải được giảm phân, giảm thuốc và cái đấy phải được chứng minh bằng bằng chứng khoa học, người ta phải đo đạc được. Tuy nhiên, các biện pháp kỹ thuật hiện tại chỉ phù hợp cho từng vùng miền theo đặc thù nhất định, nếu tập trung quá nhiều vào cách này sẽ tốn rất nhiều nguồn lực của nhà nước. Do đó, có lẽ nên bàn về một câu chuyện xa hơn là hình thành một chuỗi giá trị và đưa Doanh nghiệp vào làm nông nghiệp  ghép được CSA ngày hôm nay vào thương hiệu tăng giá trị gia tăng “

Phát biểu của TS. Đặng Kim Khôi tại hội thảo

 

 

Tin tức