Mô tả dự án
Dự án ‘Phân tích chính sách đất cho phát triển kinh tế - xã hội’ được tài trợ bởi Chương trình phát triển Liên hiệp quốc triển khai trong 2 năm 2009-2010 nhằm đánh giá toàn diện tác động kinh tế- xã hội của chính sách đất đai đối với phát triển nông thôn và đề xuất các chính sách mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững ở nông thôn. Nội dung cốt lõi trong chiến lược dự án là liên kết các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế trong quá trình nghiên cứu nhằm đưa ra Báo cáo tham luận chính sách bao gồm các đề xuất chính sách cụ thể để trình cho lãnh đạo cấp cao nhất của chính phủ.
Các hoạt động cụ thể trong dự án bao gồm: (i) Nghiên cứu tác động của chính sách đất đai hiện hành tại 6 tỉnh do một nhóm nghiên cứu tiến hành, bao gồm các nhà phân tích chính sách từ các cơ quan liên quan của chính phủ cũng như các chuyên gia trong và ngoài nước; (ii) Các cuộc hội thảo với các bên liên quan nhằm thảo luận chính sách và các lựa chọn chính sách ưu tiên cho vấn đề đất đai; (iii) Một hội thảo quốc tế về kinh nghiệm của các nền kinh tế chuyển đổi và đang phát triển khác; (iv) Một diễn đàn chính sách nhằm phổ biến các khuyến nghị chính sách của dự án tới các cán bộ cao cấp trong chính phủ.
Các cơ quan chịu trách nhiệm về dự án
-
Cơ quan chủ quản: Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn (Bộ NN&PTNT)
-
Cơ quan đề xuất: Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn (Viện CSCL)
-
Cơ quan thực hiện dự án: Viện CSCL
-
Cơ quan đồng thực hiện: Trường hành chính công John F.Kennedy, Đại học Harvard, Mỹ.
Ngoài ra, dự án sẽ huy động các chuyên gia trong nước và quốc tế, và đại diện của các cơ quan Việt Nam liên quan (Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư Pháp và Bộ Xây Dựng) tham gia vào quá trình nghiên cứu và thảo luận chính sách.
Địa điểm thực hiện dự án
Dự án được dự kiến triển khai tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và 6 tỉnh được lựa chọn để triển khai các nghiên cứu tình huống bao gồm Vĩnh Phúc, Thái Bình, Bình Định, Đắc Lắc, Bình Dương và An Giang. Việc lựa chọn các tỉnh cho nghiên cứu tình huống dựa trên các tiêu chí sau:
-
Nằm ở các vùng kinh tế - sinh thái khác nhau
-
Có các vấn đề đa dạng về chính sách đất đai
Do kinh phí hạn chế, nên dự án sử dụng cách tiếp cận của nghiên cứu tình huống và tập trung vào 6 tỉnh đại diện cho các vùng của Việt Nam, bao gồm:
Miền Bắc:
-
Thái Bình: tỉnh thuần nông, nằm ở Đồng bằng sông Hồng, có các vấn đề nổi cộm về đất đai như diện tích manh mún, khó chuyển đổi ruộng đất, thị trường ruộng đất đóng băng và khó tư bản hóa ruộng đất để mở rộng sản xuất và tăng chi phí cơ hội của lao động nông thôn, vấn đề suy giảm đất lúa và quy hoạch đất cho phát triển chăn nuôi và cụm công nghiệp địa phương.
-
Vĩnh Phúc: nằm ở Đồng bằng sông Hồng, gần Hà Nội, có sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp và đô thị trong thời gian gần đây. Ngoài các vấn đề về đất nông nghiệp như Thái Bình, Vĩnh Phúc còn có vấn đề nổi cộm về đất đai như thu hồi bồi thường đất nông nghiệp cho quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp và đô thị, và các vấn đề xã hội đi cùng với quá trình tích tụ và chuyển giao đất nông nghiệp,.
Miền Trung:
-
Bình Định: tỉnh ven biển nằm ở Nam Trung Bộ, có lợi thế phát triển cả về nông-lâm-ngư nghiệp. Đối với đất nông nghiệp, tỉnh Bình Định cũng gặp phải các vấn đề chung như các tỉnh nông nghiệp khác trên cả nước như diện tích manh mún, khó chuyển đổi ruộng đất, thị trường ruộng đất đóng băng và khó tư bản hóa ruộng đất để mở rộng sản xuất và tăng chi phí cơ hội của lao động nông thôn, vấn đề suy giảm đất lúa và quy hoạch đất cho phát triển chăn nuôi và cụm công nghiệp địa phương. Đối với diện tích đất lâm nghiệp và thủy sản, cần quan tâm đến các vấn đề khác như đánh giá hiệu quả sử dụng, thu hồi đất sử dụng không hiệu quả của các nông lâm trường quốc doanh, chuyển giao đất rừng cho cộng đồng địa phương (đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người) quản lý, vấn đề môi trường và tăng trưởng bền vững trong việc sử dụng đất lâm nghiệp và thủy sản.
-
Đắc Lắc: tỉnh miền Núi, nằm ở vùng Tây Nguyên, có sự phát triển thương mại hóa nông nghiệp mạnh mẽ, đặc biệt về các cây công nghiệp. Ngoài các vấn đề chung của cả nước về đất nông nghiệp, tỉnh Đắc Lắc còn có vấn đề nổi cộm về sở hữu đất của cộng đồng dân tộc ít người, tích tụ ruộng đất và bất bình đẳng xã hôi, thu hồi đất sử dụng không hiệu quả của các nông lâm trường quốc doanh, chuyển giao đất rừng cho cộng đồng địa phương (đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người) quản lý, vấn đề môi trường và tăng trưởng bền vững trong việc sử dụng đất lâm nghiệp.
Miền Nam:
-
Bình Dương: nằm ở Đông Nam Bộ, gần TP. Hồ Chí Minh, một trong những tỉnh có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất và có sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp và đô thị trong thời gian gần đây. Vấn đề nổi cộm về đất đai của tỉnh này là việc thu hồi bồi thường đất nông nghiệp cho quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp và đô thị, các vấn đề xã hội đi cùng với quá trình tích tụ và chuyển giao đất nông nghiệp, và các vấn đề môi trường trong sử dụng đất.
-
An Giang: tỉnh thuần nông, nằm ở Đồng bằng sông Cửu Long, có các vấn đề nổi cộm về đất đai như khung pháp lý cho tích tụ và chuyển nhượng ruộng đất, hạn điền, tư bản hóa ruộng đất, quan hệ giữa thị trường đất và thặng dư lao động nông thôn, và các vấn đề xã hội đi cùng với quá trình tích tụ và chuyển nhượng đất nông nghiệp.