Hội thảo kết thúc dự án “Phân tích hợp đồng nông sản tại Lào”

Ngày 05/09/2016, Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp (CAP – IPSARD) đã phối hợp cùng Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Lào (PRC – NAFRI) tổ chức hội thảo công bố kết quả của nghiên cứu “Phân tích Hợp đồng nông sản tại Lào” tại hội trường Viện Nghiên cứu Nông Lâm Quốc gia Lào (NAFRI). Hội thảo do Tiến sĩ Bouthong Bouahom – Viện trưởng NAFRI chủ trì với sự tham dự của nhóm nghiên cứu (PRC và CAP), các cơ quan nhà nước (Bộ Nông Lâm Lào, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào, Bộ Công thương Lào), đại diện của phía tài trợ (IFAD), các tổ chức quốc tế khác (ACIAR, JICA, GIZ, FAO, IMWI...), đại diện của Sở Nông Lâm các địa phương (Khammuone, thủ đô Viên Chăn và  Oudomxay) và đại diện của khối các trường Đại học (Đại học Quốc gia Lào).

Nghiên cứu này kéo dài trong 2 năm từ 2015 tới 2016 với mục đích phân tích hệ thống pháp lý liên quan đến hợp đồng nông sản, tìm hiểu các yếu tố tác động tới việc tham gia vào hợp đồng của người dân và tác động đa chiều của hợp đồng nông sản. Từ những phân tích trên, nhóm nghiên cứu đã đưa ra các khuyến nghị chính sách và thể chế để phát triển Hợp đồng nông sản bền vững, từ đó thúc đẩy thương mại hóa và đa dạng hóa nông nghiệp giúp xóa đói giảm nghèo và phát triển sản xuất.

Nghiên cứu được thực hiện trên 3 ngành hàng nông nghiệp bao gồm: lúa tại tỉnh Khammuone, lợn tại Thủ đô Viên Chăn và đậu xanh tại tỉnh Oudomxay. Đối với từng ngành hàng, rất nhiều các hoạt động khác nhau đã được thực hiện, bao gồm tổng quan tài liệu, tổng quan chính sánh, xây dựng sơ đồ thể chế, tham vấn chuyên gia, điều tra chuỗi giá trị, điều tra hộ quy mô lớn. Do đặc thù khác biệt của từng ngành hàng cũng như việc chọn mẫu nên nhóm nghiên cứu đã áp dụng rất nhiều các biện pháp phân tích định lượng khác nhau, bao gồm hồi quy probit (Probit Regression), điểm xu hướng (Propensity Score Matching), khác biệt trong khác biệt (Different in Different), mô hình lựa chọn Heckman (Heckman Selection Model), Bayesian Probit, Average Treatment Model và Data Enevelopment Analysis (DEA).

 

Tổng hợp kết quả nghiên cứu cho thấy, hợp đồng nông sản đã có những tác động cả tích cự và tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp tại Lào. Hợp đồng nông sản đã giúp: tăng thu nhập của hộ một cách rõ rệt (đối với ngành hàng lúa gạo và đậu xanh); giảm thiểu sụt giảm thu nhập của hộ khi điều kiện thị trường bất lợi (đối với ngành hàng lợn); thêm lựa chọn việc làm cho hộ; giúp hộ tiếp cận được các công nghệ mới; giúp hộ tiếp cận các thị trường mới; giảm thiểu rủi ro (bao gồm cả rủi ro giá cả đầu vào, rủi ro trong quá trình sản xuất và rủi ro trong việc tìm kiếm thị trường đầu ra) và; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu cũng bày tỏ những quan ngại đối với việc hợp đồng nông sản tập trung nhiều hơn vào các hộ có quy mô lớn và các hộ có quy mô nhỏ sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường (đặc biệt đối với ngành hàng lợn). Do hầu hết các trường hợp hợp đồng nông sản tại Lào hiện nay đều với các doanh nghiệp nước ngoài nên nhà nước cũng cần hết sức lưu ý để tránh tình trạng độc quyền. Ngoài ra, hệ thống pháp lý liên quan đến hợp đồng nông sản hiện nay còn rất yếu, chưa có chính sách riêng nào cho hợp đồng nông sản, vai trò của các cơ quan liên quan còn chưa rõ ràng, hoạt động quản lý thị trường còn chưa hiệu quả và các hội nhóm nông dân chưa thật sự bảo vệ được quyền lợi của người dân. Từ những kết quả nghiên cứu trên, nhóm nghiên  cứu đã đưa ra các gợi ý chính sách chia theo các nhóm vấn đề bao gồm: chính sách, thể chế, tổ chức nông dân, doanh nghiệp nội địa, quản lý thị trường và cơ chế thực thi dựa vào cộng đồng. Bên cạnh các hoạt động nghiên cứu, các hoạt động nâng cao năng lực cũng là một nội dung quan trọng của nghiên cứu. Hoạt động nâng cao năng lực đầu tiên là 2 khóa tập huấn nhằm trang bị cho các cán bộ tại PRC-NAFRI các kỹ năng viết báo cáo tổng quan tài liệu, tổng quan chính sách, tiến hành điều tra chuỗi giá trị, điều tra hộ, sử dụng các phần mềm thống kê và hướng dẫn một số mô hình kinh tế lượng cơ bản. Từ những kiến thức được dạy, nhóm nghiên cứu cũng làm việc chặt chẽ với các nghiên cứu viên đồng nghiệp tại PRC để áp dụng các kiến thức này trong suốt quá trình thực hiện dự án.

Kết quả nghiên cứu đã được các đại biểu đánh giá cao và nhận định đây là một trong những nghiên cứu toàn diện và có cơ sở khoa học chắc chắn, các đại biểu đề xuất nhóm nghiên cứu nên sắp xếp các khuyến nghị chính sách theo thứ tự ưu tiên dựa trên cân nhắc về nguồn lực tài chính cũng như con người của chính phủ Lào. Đại diện của phía các cơ quan quản lý mong muốn nhóm nghiên cứu xây dựng một bản Tóm lược chính sách để trình lãnh đạo Bộ Nông lâm Lào trong khi đại diện các đơn vị nghiên cứu đề xuất nhóm nghiên cứu nên hướng tới việc xuất bản kết quả trên các tạp chí Nông nghiệp. 

Tin tức