Kể từ cuối năm 2019, kinh tế thế giới và Việt Nam đã phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đang tiếp tục chịu nhiều tác động tiêu cực từ cuộc xung đột chính trị giữa Nga và Ukraine diễn ra từ cuối tháng 2/2022. Nhiều hệ lụy từ cuộc xung đột đã gây ra như đứt gãy các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, rủi ro an ninh lương thực và an ninh năng lượng, khủng hoảng thiếu nguồn nguyên liệu quan trọng cho các ngành sản xuất, gián đoạn hệ thống ngân hàng và dịch vụ logistics. Giá cả hàng hóa và lạm phát tăng cao, thị trường tài chính – tiền tệ bất ổn, rủi ro tài chính gia tăng. Lạm phát tăng mạnh buộc các ngân hàng trung ương các nước liên tục tăng lãi suất, điều này làm giảm sức mua hàng hóa và đầu tư. Các hoạt động kinh tế xã hội bị tắc nghẽn, gián đoạn và kinh tế nhiều nước rơi vào suy thoái và bất ổn, nhiều quốc gia phải đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực, tỷ lệ đói nghèo gia tăng. Từ đó, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn gặp nhiều khó khăn hơn khi chuỗi cung ứng nguyên liệu cho sản xuất tắc nghẽn làm giá phân bón, vật tư đầu vào và nguyên liệu xăng dầu tăng cao. Xuất khẩu nông sản gặp nhiều rủi ro hơn do tắc nghẽn trong giao dịch ngân hàng, chi phí logistics tăng cao, thiếu tàu vận chuyển.
Trong bối cảnh này, việc nghiên cứu và đánh giá các tác động của cuộc xung đột ở Ukraina đến kinh tế chung và đến ngành nông nghiệp nông thôn một cách cụ thể, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp chính sách phù hợp để ứng phó cũng như tận dụng các cơ hội trong tình hình mới là rất cần thiết.
Đề xuất dự án “Đánh giá các tác động kinh tế - xã của cuộc xung đột ở Ukraine đến ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn của Việt Nam” đang được Trung tâm tư vấn chính sách nông nghiệp – Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (CAP/IPSARD) xây dựng. Nghiên cứu này kỳ vọng đóng góp việc xây dựng chính sách cho ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn ứng phó phù hợp và giảm mức độ tổn thương trước các vấn đề rủi ro mang tính quốc tế.
Kết quả của nghiên cứu sẽ cung cấp bức tranh tổng thể về các tác động kinh tế - xã hội của xung đột chính trị ở Ukraina đến kinh tế chung, đến nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, từ đó xác định ảnh hưởng của những cú sốc đến thị trường, ngành hàng, người dân, đặc biệt là người nông dân, hộ nông thôn, hộ nghèo thành thị và toàn ngành nông nghiệp. Đây cũng là cơ sở để Bộ, ngành có thể đưa ra những khuyến nghị, biện pháp can thiệp, điều chỉnh chính sách phù hợp với điều kiện thực tế nhằm giảm rủi ro từ cuộc xung đột cũng như đề xuất giải pháp ứng phó ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam.
Các hoạt động của dự án bắt đầu thực hiện từ 02/2023-7/2023. Kết quả dự kiến của các hoạt động thực hiện trong dự án sẽ được chia sẻ tại hội thảo của dự án và chia sẻ trực tuyến đến các bên liên quan thông qua website CAP/IPSARD.