Bảo hiểm nông nghiệp Việt Nam

Trong nhiều thập kỉ qua, nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò vô cùng quan trọng trong đảm bảo an ninh lương thực và giải quyết việc làm, góp phần thúc đẩy tăng trưởng bao trùm, giảm nghèo, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định chính trị, xã hội trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, ngành này đã, đang và sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro bao gồm rủi ro nội tại (giống, dịch bệnh, kĩ thuật và công nghệ, v.v) và rủi ro bên ngoài (biến động giá, thời tiết thất thường và thiên tai, v.v). Có tới 73% hộ nông thôn gặp các cú sốc về thiên tai, dịch bệnh nhưng chỉ có khoảng 57% trong đó là phục hồi hoàn toàn từ các cú sốc (VHLSS, 2018). Trong khi đó, các chương trình an sinh xã hội và chính sách quản lý rủi ro thông qua trợ cấp của Chính phủ tập trung chủ yếu cho các rủi ro thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng lớn trên diện rộng. Khoảng 50% hộ nông thôn đang phải tự bảo hiểm đối với các rủi ro từ nguồn thu nhập của mình hoặc trợ giúp từ người thân và bạn bè. Điều này cho thấy có một khoảng trống lớn về cơ chế quản lý những rủi ro ở cấp độ trung bình, nơi mà các cơ chế chia sẻ thông qua thị trường hóa rủi ro được chứng minh là phù hợp nhất. BHNN đồng thời có thể hỗ trợ cho bảo đảm an sinh xã hội và đóng góp vào quá trình xóa đói giảm nghèo, giúp nông dân yên tâm sản xuất, nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa rủi ro, đề phòng và hạn chế tổn thất và thúc đẩy quá trình áp dụng khoa học kỹ thuật, tiếp cận tín dụng và liên kết sản xuất trong nông nghiệp (David Hatch, 2008; Ramiro Iturrioz, 2009, Charles Stutley, 2011).

Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ Việt Nam đã rất chú trọng thúc đẩy phát triển thị trường bảo hiểm trong suốt hơn 40 năm qua, đặc biệt trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây. Trên cơ sở Nghị Quyết 26-NQ/TW đề nghị “Thí điểm bảo hiểm nông nghiệp”, Việt Nam đã tiến hành thí điểm BHNN ở quy mô lớn theo Quyết định số 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình thí điểm bảo hiểm nông nghiệp Quốc gia 2011 – 2013. Với kết quả là sự ra đời của Nghị định 58 để tạo ra khuôn khổ pháp lý ổn định, minh bạch, thống nhất và các quy định mang tính đặc thù phù hợp với đặc điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam. Trên cơ sở đó, BHNN hiện nay đang được thực hiện tại một số tỉnh thành theo Quyết định số 22/2019/QĐ-TTg và Quyết định 03/2021 về thực hiện chính sách hỗ trợ BHNN.

Mặc dù vậy, có rất nhiều các vấn đề mang tính nút thắt chưa được giải quyết bao gồm cả các hạn chế trong quá khứ, và các tồn tại phát sinh trên thực tiễn hiện nay. Điều này lý giải cho những hạn chế về quy mô thị trường, loại hình bảo hiểm, sản phẩm được bảo hiểm, tính đa dạng sản phẩm bảo hiểm, số doanh nghiệp tham gia thị trường, v.v. Do vậy, cần có một hệ thống giải pháp đồng bộ, dài hạn và có hệ thống để đưa BHNN trở thành một công cụ quản lý rủi ro hiệu quả và phổ biến cho lĩnh vực nông nghiệp tại Việt Nam.

Khảo sát của CAP/IPSARD (2021) với 56 hộ nông dân tại 3 tỉnh cho thấy nhận thức của nông dân về BHNN nhìn chung là khá thấp mặc dù các địa phương được khảo sát đều đã hoặc đang thực hiện chương trình bảo hiểm và 43% trong số hộ được khảo sát đã hoặc đang tham gia mua BHNN.

 

Tin tức

Đối tác

Video

Facebook

Nội bộ