Trong khuôn khổ dự án khu vực “Mạng lưới nghiên cứu và tư vấn chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn cho các quốc gia tiểu vùng sông Mê Công” - Network for Agriculture and Rural Development Think-tanks for Countries in Mekong sub-region (NARDT) do IFAD tài trợ, Trung tâm Tư vấn Chính sách Nông nghiệp/Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (CAP/IPSARD) phối hợp với Viện nghiên cứu phát triển nguồn lực Campuchia (CDRI), Viện nghiên cứu khoa học nông nghiệp quốc gia Lào (NAFRI) triển khai nghiên cứu cấp vùng về “Đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp khu vực tiểu vùng sông Mê Công”. Đây là nghiên cứu so sánh giữa Việt Nam, Lào và Campuchia với mục tiêu tổng quan và phân tích các mô hình đổi mới sáng tạo (ĐMST) trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong thời gian gần đây, từ đó chỉ ra những bài học kinh nghiệm để hỗ trợ hoàn thiện chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp nông thôn trong tương lai.
Trong phạm vi nghiên cứu, các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm đã tiến hành thu thập thông tin và đánh giá các mô hình đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp nông thôn tại các tỉnh dựa vào thông tin, tài liệu thứ cấp và sự chia sẻ của các chương trình/dự án có liên quan. Dựa trên những thông tin được thu thập, nhóm nghiên cứu đánh giá sơ bộ và lựa chọn những mô hình điển hình đại diện cho sự đổi mới của ngành để tiến hành khảo sát thực địa.
Trong tháng 11-12/2022, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát một số mô hình tại các tỉnh như: mô hình “sản xuất dừa hữu cơ” tại Tiền Giang, Vĩnh Long; mô hình “cà phê cảnh quan” tại Đắk Lắk, Sơn La; mô hình “nông nghiệp công nghệ cao” tại Lâm Đồng, mô hình “tín dụng phụ nữ”; “đa canh vườn dừa” Bến Tre; mô hình “tổ kinh tế kỹ thuật cấp xã” tại Kiên Giang để phân tích và đánh giá các bài học kinh nghiệm thành công, tiềm năng mở rộng và những rủi ro cũng như những đóng góp của mô hình cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

HTX Ara-Tay Coffe - Sơn La


HTX Tân Tiến – Lâm Đồng
Khảo sát cho thấy, tại tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, hiện nay có nhiều mô hình sản xuất sản xuất dừa hữu cơ kết hợp với các doanh nghiệp tập đầu tư lớn vào công nghệ để chế biến và sản xuất nhiều sản phẩm đáp ứng thị trường trong và ngoài nước. Bến Tre dẫn đầu về công nghệ chế biến các sản phẩm dừa và tạo ra đa dạng các sản phẩm dừa. Lâm Đồng, Kiên Giang đang thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với khối tư nhân, tiếp cận các đối tác kinh doanh thương mại để thúc đẩy áp dụng các phương thức ĐMST trong các mô hình kinh doanh nông nghiệp bền vững. Các mô hình này đã ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ trong suốt quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và đa dạng hóa nhờ đầu tư đầy đủ cho nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó, các sản phẩm từ mô hình đã cung cấp nguyên liệu ổn định và đảm bảo chất lượng thông qua các hợp đồng nông sản; tận dụng được những lợi thế từ hệ thống sản xuất quy mô lớn. Ngoài ra, một số mô hình thể hiện tính sáng tạo thông qua việc áp dụng các phương thức phát triển sản xuất kinh doanh tiên tiến và tạo ra một cơ chế hợp tác hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia. Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh cũng hỗ trợ kết nối giữa các nhà sản xuất với khách hàng trong khu vực và quốc tế; hỗ trợ thương thảo hợp đồng với các đối tác.

HTX Tân Tiến - Đà Lạt
Các giải pháp ĐMST từ các mô hình thể hiện tính đa dạng hóa trong sản xuất, kinh doanh và hợp tác đồng thời gắn kết với vai trò của các cơ quan địa phương trong thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo. Qua các kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp đã và đang giúp thay đổi tổ chức sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, phát triển chuỗi giá trị sản phẩm bền vững, thay đổi quản trị sản xuất bằng các công nghệ mới đã giúp tăng hiệu quả và tăng thu nhập, đồng thời đã tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh minh bạch, trách nhiệm và công bằng.
Báo cáo dự kiến hoàn thành vào tháng 3/2023 và tổ chức hội thảo cấp vùng với sự chia sẻ kết quả nghiên cứu giữa 3 quốc gia vào tháng 4/2023.

Doanh nghiệp Dương Phát – Trà Vinh: Chế biến sâu về vỏ dừa và sơ dừa. Nông dân chủ yếu bán trái sau đó HTX hoặc thu mua sơ chế để xuất cho doanh nghiệp.
