KHẢO SÁT, ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI VÙNG ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN

Kết quả xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn trong những năm vừa qua còn hết sức hạn chế. Những bất lợi về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, cơ sở vật chất, trình độ dân trí… là những yếu tố cản trở các xã khó khăn hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là những tiêu chí như thu nhập, hộ nghèo, giao thông, môi trường… Chính vì thế, cần có những giải pháp, cơ chế, chính sách phù hợp cho vùng đặc biệt khó khăn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới. Nhằm đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn, làm cơ sở để đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, trong thời gian từ …, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tổ chức đoàn công tác đi khảo sát tại các tỉnh Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng. Đại diện Trung tâm Tư vấn Chính sách nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Viện Kinh tế và quản lý thuỷ lợi (Viện Khoa học Thuỷ lợi Việt Nam), Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên là các đơn vị tham gia phối hợp trong đoàn công tác.

Tại tỉnh Yên Bái, đoàn công tác đã đến khảo sát tại xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu. Xã Hát Lừu nằm gần trung tâm huyện Trạm Tấu, cách thị trấn Trạm Tấu 3km, xã có tổng diện tích tự nhiên thống kê theo hiện trạng quản lý là 1.447,96 ha. (Trong đó: đất sản xuất nông nghiệp 421,33 ha; đất lâm nghiệp 892,16 ha; đất nuôi trồng thuỷ sản 8,84 ha; còn lại là diện tích đất chuyên dùng và đất ở). Toàn xã có 4 thôn, 852 hộ 3815 khẩu; tỷ lệ đồng bào dân tộc Thái chiếm 99,7%, còn lại là một số dân tộc khác.

Ảnh: Trụ sở UBND xã Hát Lừu

Về những kết quả nội bật trong triển khai thực hiện Chương trình nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2019, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hát Lừu đã đạt được nhiều tích cực như: Tỷ lệ bê tông hoá giao thông nông thôn trên các tuyến đường đạt trên 70%; 100% hộ dân của xã đều đã có điện sự dụng thường xuyên; 100% nhà ở đạt chuẩn theo quy định của Bộ Xây dựng và không có nhà tạm, nhà dột nát; Thu nhập bình quân đầu người năm 2019 đạt 33,246 triệu đồng/người/năm; Tình hình an ninh, kinh tế, chính trị, xã hội đều được cải thiện rất nhiều.

Bên cạnh những mặt tích cực đó Hát Lừu còn có rất nhiều khó khăn và vướng mắc như việc thực hiện các công trình giao thông còn khó khăn, chưa tạo được cảnh quan, khuôn viên du lịch do địa hình các thôn chủ yếu là đồi núi dốc. Các công trình đường giao thông, thuỷ lợi sau bão lũ thường hay bị sạt lở. Toàn xã có tất cả 4 cây cầu treo nối liền trung tâm xã với 4 thôn nhưng hiện trạng đã xuống cấp rất nhiều, kiến nghị của nhân dân cũng như chính quyền xã được hỗ trợ để chuyển sang làm cầu bê tông nhằm phục vụ cho các hộ dân phát triển kinh tế. Việc xử lý rác thải còn nhiều vấn đề bất cấp như chưa có nơi xử lý tập trung, hàng tháng mới có xe rác ở huyện tới thu gom rác tập trung, chủ yếu phải vận động nhân dân đào hố rác và tự phân loại rác thải tại các hộ. Trình độ dân trí không đồng điều dẫn đều chiều hạn chế về sản xuất, thương mại, dịch vụ chưa phát triển. Vấn đề việc làm cho người dân tại địa phương còn gặp khó khăn do trên địa bàn không có các khu công nghiệp tập trung, chủ yến các lao động phải tự đi kiếm việc làm trong và ngoài tỉnh.

Tại tỉnh Bắc Kạn, đoàn công tác đã đến khảo sát tại thôn Nà Kén và thôn Tân Lập thuộc địa bàn xã Vũ Muộn, huyện Bạch Thông Nằm ở phía đông trung tâm huyện Bạch Thông và giáp với huyện Na Rì, xã Vũ Muộn có diện tích 38,87 km2, dân số năm 2019 là 1583 người chủ yến là hộ đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao; tỷ lệ % hộ nghèo 34%. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2019 xã Vũ Muộn đã đạt 11/19 tiêu chí (gồm: Quy hoạch; Giao thông; Thuỷ lợi; Điện; Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn; Thông tin và truyền thông; Nhà ở dân cư; Lao động có việc làm; Y tế; Văn hoá; Quốc phòng và An ninh).

                                                                                                                                                                                                         Ảnh: Đường vào thôn Tân Lập

                                                                                                                                                                                                        Ảnh: Đường vào thôn Nà Kén

          Nổi bật nhất trong phong trào xây dựng nông thôn mới trong những năm qua là xã đã vận động hiệu quả Nhân dân hiến đất làm đường và các công trình dân sinh. Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, 5 năm qua địa phương đã xây dựng được 6km đường liên thôn mặt bê tông rộng từ 2,5-3,5m; 3,7km kênh mương với tổng vốn đầu tư hơn 9 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp ngày công trị giá hơn 3,7 tỷ đồng. Đến nay 100% các thôn, bản có đường giao thông không còn lầy lội vào mùa mưa, người dân đi lại an toàn, thúc đẩy giao lưu, phát triển kinh tế hàng hóa trên địa bàn. Vấn đề môi trường cũng đang từng bước được cải thiện, người dân đã tự biết phân loại rác, xây lò đốt rác nhỏ lẻ để tự xử lý. Bên cạnh chú trọng nhân rộng diện tích cũng như năng suất, chất lượng cây ngô, thuốc lá chủ lực và các mô hình chanh leo Vũ Muộn còn có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển chăn nuôi gia súc, đặc biệt là nuôi dê. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 tăng đàn dê lên 2.500 con, trung bình mỗi năm phấn đấu tăng khoảng hơn 200 con. Để đạt mục tiêu đó, xã đã phối hợp với cơ quan chuyên môn của tỉnh nghiên cứu, tuyển chọn giống dê tốt, kháng bệnh, chất lượng thương phẩm tốt vào chăn nuôi. Vận động người dân mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng đàn dê núi; khuyến khích các các hộ xây dựng thành trang trại đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ khuyến nông xã thường xuyên tư vấn, tập huấn kiến thức về phòng dịch bệnh nhằm phát triển đàn dê núi ở địa phương phát triển bền vững.

          Tuy nhiên, do điều kiện địa hình cũng như trình độ dân trí không đồng đều dẫn đến việc tuyên truyền còn gặp nhiều khó khăn. Trình độ canh tác của người dân còn hạn chế, thương mại, dịch vụ chưa phát triển nên một số mô hình trồng trọt và chăn nuôi chưa đạt được hiệu quả tối đa. Ngoài ra thì còn một số tuyến đường giao thông còn chưa được bê tông hoá một số thôn vẫn còn quá ít hộ sinh sống dẫn đến việc huy động vốn từ bà còn gặp nhiều khó khăn.

 

                                                                                                                                                                                       Ảnh: Mô hình chanh leo cuả người dân thôn Nà Kén

Đảng uỷ, chính quyền và nhân dân địa phương đặt mục tiêu giai đoạn 2025 giữ vững những kết quả các tiêu chí đã đạt được, không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tiếp tục phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025 nâng cao các mô hình trồng chanh leo, hà thủ ô, khoai tây, lê; nuôi dê, gà, bò để đạt thu nhập bình quân 50 triệu đồng/năm. Đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường nhằm đa dạng hoá nguồn lực với sự tham gia của các tổ chức đoàn thể, hợp tác xã, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện.

                                                                                                                                                                                                    Ảnh: Lò đốt rác của người dân thôn Tân Lập

Tại tỉnh Cao Bằng , địa điểm điểm cuối cùng mà đoàn công tác chọn để khảo sát là xã Quang Long, huyện Hạ Lang. Là một xã vùng núi cao nằm sát biên giới với nước bạn Trung Quốc, với diện tích hơn 4200 ha, dân số năm 2019 là 2065 người chủ yếu là dân tộc Tày và Nùng; thu nhập sản lượng đạt bình quân 450 kg/người/năm, chủ yếu là cây ngô và khoai.

                                                                                                                                                                                  Ảnh: Xóm Kiểng Phặc, xã Quang Long, huyện Hạ Lang

Là xã nằm ở khu vực biên giới nên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Vấn đề khó khăn nhất được đặt ra đó là chất lượng của nguồn nhân lực, nhiều cán bộ chưa được đào tạo nhiều về năng lực chuyên muôn, lãnh đạo dẫn đến việc triển khai các chương trình. Qua trao đổi với người dân thì hiện tại địa bàn thôn Kiểng Phặc vẫn chưa có điện lưới để sử dụng, chỉ có thể dùng tạm điện kéo từ máy phát của đồn biên phòng nhưng thời gian sử dụng rất ít. Ngoài ra nguồn nước của người dân sử dụng đều chưa qua hệ thống lọc hay xử lý mà chỉ có bơm lên rồi dùng. Trình độ canh tác chỉ dựa vào các tập quán lạc hậu trong chăn nuôi nên đạt hiệu quả chưa cao, còn phải phụ thuộc vào thiên nhiên. Cơ sở hạ tầng giao thông còn yếu kém, phần lớn các thôn, bản nào nầm trên tuyến đường của Bộ Quốc phòng thì sẽ thuận tiện hơn, còn lại gần như chưa có bê tông hoá. Thu nhập hàng tháng bấp bênh, không ổn định; trình độ dân trí thấp làm cho người dân không có tâm huyết nhiều với vấn đề đào tạo nghề, việc làm.

 

                                                                                                                                                                                                   Ảnh: Cuộc họp tại nhà văn hoá xóm Bó Chỉa

Nguồn ngân sách hỗ trợ đầu tư cho việc thực hiện chương trình còn hạn hẹp, chưa tương xứng với mực tiêu đề ra đặc biệt chưa huy động được nguồn lực từ nhân dân. Việc chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, sản xuất của người dân còn lúng túng, chưa có hiệu quả cao; một bộ phận người dân chưa chủ động vươn lên thoát nghèo, còn trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước; việc sản xuất bao tiêu sản phẩm gặp nhiều khó khăn, do địa hình đồi núi, cách xa các trung tâm nên không có doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, sản phẩm nông nghiệp mang tính tự cung tự cấp là chủ yếu. Việc xây dựng kế hoạch xây dựng nông thôn mới hàng năm và giai đoạn chưa sát với thực tế địa phương, chưa chi tiết do chưa xác định được nguồn lực để thực hiện từng tiêu chí cho các thôn.

Còn gặp nhiều khó khăn nhưng Đảng uỷ, chính quyền xã Quang Long đạt được 7 tiêu chí trong năm 2019 phấn đấu đến hết giai đoạn 2021-2025 các thôn, xóm đạt 100% trên 12 tiêu chí trong đó ưu tiên hàng đầu là các tiêu chí về cơ sở hạ tầng giao thông, hệ thống điện, nước, thuỷ lợi và cơ sở y tế. Tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông lâm nghiệp, xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biển và tiêu thụ; kiến nghị với với tỉnh và Trung ương ban hành các cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, để giúp nông dân trong việc xây dựng các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nội dung thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nhằm phát huy nội lực của cộng đồng dân cư./.

 

Tin tức

Đối tác

Video

Facebook

Nội bộ