Hội thảo chuyên gia phát triển nông nghiệp, nông thôn: “Định hướng và giải pháp cho xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam sau năm 2020”

     Sáng 13/8/2019, tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới đã tổ chức hội thảo “Định hướng và giải pháp cho xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam sau năm 2020”. Tới dự hội thảo có các đồng chí nguyên là lãnh đạo một số Bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học thuộc một số viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức quốc tế và Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương. Nhiều vấn đề đặt ra cho xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới đã được thảo luận.

Ảnh: Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn phát biểu tại hội thảo

                                                        Ảnh: Tiến sĩ Nguyễn Đỗ Tuấn Anh phát biểu tại hội thảo.

     Ngay sau hội thảo “Lý luận và thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam” do Ban Chỉ đạo Trung ương các Chương trình Mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 tổ chức ngày 16-17/7/2019 tại Nam Định, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường - Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chủ nhiệm Chương trình Khoa học và Công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (Ban Chủ nhiệm) tổng hợp toàn bộ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học trong 2 ngày hội thảo diễn ra ở Nam Định (gồm 1 phiên toàn thể và 4 phiên chuyên đề về: phát huy vai trò của người dân trong xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; giữ gìn và bảo vệ cảnh quan, môi trường nông thôn). Để thảo luận rõ hơn những vấn đề đã được đặt ra, và đặc biệt là đi vào giải pháp cho xây dựng NTM trong thời gian tới, Ban Chủ nhiệm đã tổ chức hội thảo chuyên gia: “Định hướng và giải pháp cho xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam sau năm 2020”. Hội thảo được tổ chức vào sáng ngày 13/8/2019 tại Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

     Hội thảo có sự tham dự của ông Hồ Xuân Hùng (nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), ông Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường), các chuyên gia, nhà khoa học từ các viện nghiên cứu, trường đại học, cơ quan quản lý nhà nước. Chủ trì hội thảo là GS.TS Nguyễn Tuấn Anh (Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới) và TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn (Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, thành viên Ban Chủ nhiệm, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn).

     Các đại biểu tham dự đã đánh giá cao những kết quả thu được từ hội thảo “Lý luận và thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam”, đặc biệt là những vấn đề đặt ra đối với phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, giữ gìn và bảo vệ môi trường, cảnh quan nông thôn, phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. PGS.TS Trần Đình Thiên (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương – Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lưu ý: “Để tìm giải pháp cho xây dựng nông thôn mới, cần hướng về bối cảnh tương lai sẽ tác động tới phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn như thế nào. Giai đoạn tới sẽ khác biệt hẳn với 10 năm vừa qua, nên không thể chỉ nhìn vào tiến trình phát triển trong quá khứ để định hướng cho tương lai”. Đánh giá về những kết quả xây dựng nông thôn mới, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng không nên nhìn vào bề nổi của vấn đề mà cần đi sâu vào bản chất: “Nông thôn mới có thành tựu, nhưng chuyển biến thực sự không rõ rệt. Vấn đề đất đai chưa được giải quyết, vấn đề thị trường còn chưa có giải pháp, vai trò chủ thể của người dân chưa được thực hiện do thiếu cơ sở quyền lực. Tới đây sẽ có hàng loạt yếu tố tác động mạnh hơn nữa. Do đó, thời gian này là cơ hội để chúng ta thực sự đánh giá và nhìn nhận nghiêm túc vấn đề, không thể ve vuốt bởi những kết quả đạt chuẩn…”.

     PGS.TS Nguyễn Thị Lan Hương (nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động – Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nêu ra hàng loạt các vấn đề: “Nông thôn mới không có chỉ tiêu cụ thể về nông dân – lực lượng lao động chính ở nông thôn. Nhiều nội dung khác còn mờ nhạt, như môi trường nông thôn theo góc nhìn từ hệ sinh thái, quy hoạch nông thôn kết nối với đô thị, vấn đề lao động di cư, việc làm phi chính thức. Việc làm công là giải pháp đã đề cập nhưng chưa thực hiện. Vấn đề y tế, giáo dục, quy định về an toàn thực phẩm… chưa lấy nông thôn làm cơ sở xây dựng chỉ tiêu và nội dung hỗ trợ phù hợp”.

     Ông Hồ Xuân Hùng (nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên cố vấn Ban Chỉ đạo Trung ương Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch Tổng Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) đề cập thêm một khó khăn trong xây dựng nông thôn mới, đó là “sự cô đơn” của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong chỉ đạo triển khai chương trình. Nông thôn mới là chương trình thực hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau ở nông thôn, nhưng sự tham gia và phối hợp của các Bộ, ngành còn nhiều hạn chế.

     Ông Đặng Hùng Võ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường) chia sẻ câu chuyện thực tế từ một xã bán đất lấy tiền để sử dụng cho phát triển nông thôn, đem lại lợi ích cho cộng đồng, nhưng vướng vào quy định pháp lý nên bị kỷ luật; câu chuyện doanh nghiệp có được dự án đầu tư nhưng phải chi trả những chi phí “phi chính thức” cho địa phương. Nếu địa phương “tử tế” thì số tiền nhận được sẽ đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, còn nếu thiếu “tử tế” thì sẽ tư lợi vào túi tiền của mình. Từ hai câu chuyện này, ông Đặng Hùng Võ đề nghị lưu tâm đến những quy định pháp lý để chuyển vốn nằm trong đất trở thành vốn tài chính, giúp các địa phương có nguồn vốn xây dựng nông thôn mới…

     Đi vào các lĩnh vực cụ thể của phát triển nông thôn và xây dựng nông thôn mới, các đại biểu đã tham mưu nhiều giải pháp về điều chỉnh tiêu chí nông thôn mới, vấn đề bảo tồn văn hóa truyền thống cần kết hợp với vun đắp và phát triển những giá trị văn hóa mới, công tác quy hoạch nông thôn, huy động các nguồn lực, nâng cao trách nhiệm giải trình, giải quyết vấn đề môi trường nông thôn…

     Kết luận tại hội thảo, GS.TS Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh những đóng góp của các đại biểu sẽ được tiếp thu đầy đủ để phân tích cụ thể bằng các nghiên cứu khoa học trong Chương trình KHCN phục vụ xây dựng nông thôn mới; Ban Chủ nhiệm sẽ tiếp tục có những buổi tọa đàm chuyên đề theo từng lĩnh vực cụ thể, nhằm góp phần xây dựng bộ tiêu chí, cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới phù hợp cho giai đoạn tới.

 

 

Tin tức

Đối tác

Video

Facebook

Nội bộ