Phát triển cộng đồng thôn, bản ở khu vực miền núi phía Bắc – bài học kinh nghiệm cho xây dựng nông thôn mới từ Chương trình Hạnh phúc Lào Cai

Phát triển cộng đồng thôn, bản ở khu vực miền núi phía Bắc – bài học kinh nghiệm cho xây dựng nông thôn mới từ Chương trình Hạnh phúc Lào Cai   

Nguyễn Ngọc Luân

Thái Văn Tình

 Cải thiện sinh kế, hạ tầng, môi trường, gắn liền với phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng thôn, bản là cơ sở để từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới cấp xã đối với khu vực khó khăn như miền núi phía Bắc. Một số kinh nghiệm thực tiễn từ Chương trình Hạnh phúc Lào Cai, với cách thực hiện dựa trên những bài học thành công của Phong trào làng mới (Saemaul Undong) của Hàn Quốc, có thể đóng góp những giải pháp mới cho xây dựng nông thôn mới phù hợp với điều kiện đặc thù của khu vực này.


Text Box: Nguồn: Văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương (2017)Sau hơn sáu năm xây dựng nông thôn mới, theo số liệu tổng hợp của Văn phòng điều phối nông thôn mới trung ương tính đến ngày 31/3/2017, khu vực miền núi phía Bắc đạt kết quả thấp nhất cả nước về tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới (12,2%) và số tiêu chí nông thôn mới đạt được bình quân một xã (10,3/19 tiêu chí). Số tiêu chí đạt được bình quân một xã chỉ tăng thêm 6,5 tiêu chí từ năm 2011 đến đầu năm 2017. Trong số 278 xã đạt chuẩn thuộc 14 tỉnh trong khu vực thì có tới 170 xã (chiếm 61,2%) tập trung tại bốn tỉnh có một số điều kiện thuận lợi hơn là Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ và Hòa Bình. Cả nước còn 190 xã dưới 5 tiêu chí thì trong đó khu vực miền núi phía Bắc có tới 144 xã (chiếm 75,8%).

Những kết quả trên không khó để giải thích bởi miền núi phía Bắc là khu vực gặp nhiều khó khăn về điều kiện địa hình, thời tiết, hạ tầng, dân trí, nguồn lực… Mặc dù trung ương đã có nhiều ưu tiên hỗ trợ, các địa phương trong khu vực đã có nhiều nỗ lực phấn đấu, một số kết quả xây dựng nông thôn mới đạt được đáng ghi nhận, song có thể nói việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở khu vực miền núi phía Bắc chỉ nên là động lực hướng tới trong dài hạn chứ không phải là áp lực cần đạt được trong ngắn hạn nhằm theo đuổi thước đo kết quả dựa trên tiêu chí. Nói cách khác, chỉ những địa phương có điều kiện thuận lợi trong khu vực sẽ tiếp tục phấn đấu đạt chuẩn, hướng tới mục tiêu đến năm 2020 khu vực miền núi phía Bắc có 28% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (theo mục tiêu đặt ra trong Quyết định 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020). Với hơn 70% số xã còn lại, đa phần là các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa, với tỷ lệ hộ nghèo cao, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số lớn, việc hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở cấp xã sẽ là một chặng đường dài. Trên chặng đường đó, bước đi cần bắt đầu từ cộng đồng dân cư ở từng thôn, bản. Cộng đồng có sự gắn bó chặt chẽ nhất nằm ở phạm vi thôn bởi nhiều yếu tố tương đồng về điều kiện tự nhiên, hạ tầng, môi trường, sản xuất, tập quán, dòng họ, dân tộc, ngôn ngữ… Phát huy tính chất cộng đồng theo từng thôn, bản chính là phát huy những nét đặc trưng bản địa của khu vực miền núi phía Bắc, đồng thời là cách tiếp cận phù hợp trong xây dựng nông thôn mới tại khu vực này. Cải thiện sinh kế, hạ tầng, môi trường gắn liền với phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng thôn, bản sẽ là cơ sở để góp phần từng bước hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới ở cấp xã.

Từ năm 2015, Chương trình Hạnh phúc Lào Cai bắt đầu được triển khai trên cơ sở biên bản thỏa thuận giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) ngày 17/01/2014. Mục tiêu của chương trình nhằm hỗ trợ xóa đói giảm nghèo và cải thiện sinh kế với sự tự lực và tham gia của người dân gắn liền với Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới dựa kinh nghiệm phong trào Saemaul Undong những năm 1970 của Hàn Quốc. Với những tác động từ cộng đồng cấp thôn, bản, sau gần hai năm triển khai, kết quả đạt được của Chương trình Hạnh phúc Lào Cai đã cho phép rút ra nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn có thể nhân rộng áp dụng cho xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn khó khăn thuộc khu vực miền núi phía Bắc.

Điểm nổi bật của Chương trình Hạnh phúc Lào Cai là sự kết hợp giữa hai yếu tố: (1) kinh nghiệm thành công từ phong trào Saemaul Undong của Hàn Quốc; và (2) thực tiễn xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam, trường hợp tỉnh Lào Cai. Những bài học kinh nghiệm từ Saemaul Undong đã được vận dụng cụ thể vào các hoạt động xây dựng nông thôn mới ở các địa bàn dự án thuộc tỉnh Lào Cai, thông qua các phương pháp tiếp cận như dựa vào cộng đồng, có sự tham gia, phân cấp, trao quyền… (sơ đồ).

 Những bài học thành công từ Saemaul Undong được thể hiện qua các hoạt động cụ thể dưới đây trong Chương trình Hạnh phúc Lào Cai:

Kinh nghiệm thành công của Saemaul Undong

Vận dụng vào thực tiễn xây dựng nông thôn mới tại Lào Cai

Thực hiện ở từng đơn vị làng, phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng làng trong quá trình lập kế hoạch, ra quyết định, tổ chức thực hiện.

Thí điểm tại 08 thôn dân tộc thiểu số thuộc 03 huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai (thôn, bản ở khu vực miền núi phía Bắc hiện nay có quy mô hộ tương đương với làng ở Hàn Quốc giai đoạn triển khai Saemaul Undong, khoảng trên dưới 100 hộ gia đình).

Có sự quan tâm, chỉ đạo mạnh mẽ và quyết liệt đối với việc thực hiện phong trào.

Lựa chọn Lào Cai là tỉnh có sự quan tâm, chỉ đạo mạnh mẽ đối với xây dựng nông thôn mới (Lào Cai có số xã và tỷ lệ xã đạt chuẩn cao nhất trong số 10 tỉnh còn lại, chỉ thấp hơn bốn tỉnh đã nêu ở trên).

Hình thành một hệ thống tổ chức quản lý, điều hành vững chắc từ cấp cơ sở đến cấp trung ương, tạo ra các cơ chế phối hợp tốt theo chiều ngang và chiều dọc

Phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý các dự án ODA; Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh, huyện, xã; Sở Nông nghiệp và PTNT; Sở Y tế; Hội Liên hiệp Phụ nữ; các đơn vị tư vấn có năng lực theo từng hợp phần cụ thể…

Xây dựng đội ngũ lãnh đạo từ cấp làng, đứng đầu là 01 nam, 01 nữ, độc lập với hệ thống chính quyền và chính trị. Đội ngũ này do dân bầu, được trao quyền, được đào tạo bài bản.

Thành lập Ban phát triển thôn và các nhóm hỗ trợ. Ban phát triển thôn gồm trưởng ban nữ, trưởng ban nam và các thành viên, do dân bầu. Có riêng một chương trình đào tạo và thăm quan cho Ban phát triển thôn, kết hợp những hướng dẫn cụ thể trong quá trình thực hiện theo hình thức “cầm tay chỉ việc”.

Quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ triển khai các cấp cùng với sự tham gia của cán bộ chính quyền, nhà khoa học, nhà báo… để tạo phong trào cho toàn xã hội.

Dành riêng một tiểu hợp phần nâng cao năng lực cho toàn bộ đội ngũ cán bộ nông thôn mới từ cấp tỉnh cho đến cấp huyện, xã, thôn tại các địa bàn thí điểm. Các lớp tập huấn được tổ chức bài bản, có sự tham gia của phóng viên, nhà nghiên cứu, sử dụng công cụ trực quan, gắn với thực hành và thăm quan mô hình thực tế trong và ngoài tỉnh.

Thúc đẩy tinh thần thi đua, cạnh tranh lành mạnh giữa các làng, làm tốt thì được hưởng hỗ trợ nhiều.

Thúc đẩy tinh thần thi đua giữa các thôn, thôn làm tốt được hỗ trợ thêm. Sử dụng các tiêu chí cụ thể, đánh giá bằng thang điểm về: mức độ hoàn thành kế hoạch; kết quả thay đổi cảnh quan, môi trường; phong trào tự lực, hợp tác; tinh thần đoàn kết và mức độ tham gia của người dân; tính minh bạch, công bằng và sử dụng hiệu quả các vật tư, thiết bị do chương trình hỗ trợ; năng lực và mức độ tham gia của Ban phát triển thôn.

Triển khai theo từng bước, từ thấp đến cao, từ quy mô nhỏ đến quy mô lớn, tự dự án hạ tầng cho đến dự án tạo thu nhập, hình thành dần sự tự tin, chủ động, thay thế cho tâm lý tự ti, thụ động trong tâm lý cộng đồng.

Bắt đầu với những công việc ở quy mô nhỏ, dễ tổ chức, dễ thực hiện (lát nền nhà, làm đường liên gia, xây công trình vệ sinh, xây chuồng nuôi) cho đến các công việc lớn hơn (xây nhà văn hóa thôn, làm đường thôn, tổ chức các nhóm đồng sở thích nuôi trâu, nuôi gà, trồng ngô, cho vay tín dụng, mô hình nhà sạch – vườn đẹp…). Quá trình này huy động sự tham gia của cả cộng đồng, vừa tạo phong trào vừa nâng cao năng lực, nhận thức, sự tự tin và chủ động cho người dân.

Tạo ra một phong trào Saemaul Undong sôi nổi trên toàn quốc bằng bài hát, logo, đồng phục, lá cờ… gắn với tinh thần “cần cù, tự lực, hợp tác”

Thường xuyên phổ biến tinh thần “cần cù, tự lực, hợp tác” cho Ban phát triển và người dân các thôn thông qua các lớp tập huấn, các buổi họp thôn, các buổi sinh hoạt văn nghệ; trao tặng áo và mũ Saemaul Undong cho tất cả hộ dân; hỗ trợ 08 bộ tivi, đầu đĩa và đĩa hình cho 08 thôn giới thiệu bài học Saemaul Undong; hỗ trợ 24 điện thoại di động cho Ban phát triển 08 thôn để tăng cường công tác phối hợp, liên hệ giữa thôn và Ban quản lý dự án…

 

Trên thực tế, các hoạt động triển khai tại 08 thôn thí điểm chỉ là một trong ba tiểu hợp phần thuộc hợp phần phát triển cộng đồng của Chương trình Hạnh phúc Lào Cai (sơ đồ). Mặc dù vậy, hai tiểu hợp phần còn lại cũng như các hoạt động của hợp phần tăng cường năng lực đều có những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới kết quả thực hiện ở 08 thôn thí điểm.

Có thể nói, trong một khoảng thời gian ngắn từ cuối năm 2015 cho đến hết năm 2016, với một khối lượng công việc “đồ sộ” (mỗi tiểu hợp phần bao gồm hàng loạt các công việc khác nhau với sự tham gia của nhiều bên liên quan), nhưng Văn phòng tư vấn quản lý Chương trình Hạnh phúc Lào Cai, Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh Lào Cai và các đơn vị tham gia, đơn vị tư vấn đã có sự phối hợp chặt chẽ, có nhiều nỗ lực để hoàn thành các kế hoạch và mục tiêu đặt ra. Đặc biệt, các hoạt động trọng tâm nhất và nặng nề nhất thuộc về tiểu hợp phần 08 thôn thí điểm. Sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư các thôn và Ban phát triển thôn đóng vai trò quyết định tới những kết quả đạt được sau năm đầu tiên thực hiện chương trình. Để thúc đẩy được sự tham gia đó chính lại nhờ vào những cách tiếp cận và tác động của chương trình. Những bài học kinh nghiệm dưới đây được tổng kết để có những gợi ý cho việc áp dụng trong xây dựng nông thôn mới ở cộng đồng các thôn, bản khu vực miền núi phía Bắc:

- Thứ nhất, Ban phát triển thôn cần được thành lập thông qua ý kiến của người dân. Dựa trên kinh nghiệm phong trào làng mới của Hàn Quốc, chương trình đã thử nghiệm và hỗ trợ người dân ở các thôn tự bầu ra Ban phát triển của mình, trong đó cũng gồm 01 trưởng ban nam, 01 trưởng ban nữ. Ngoài ra, Ban phát triển thôn còn gồm các thành viên sau: 01 thư ký kiêm thủ quỹ; 01 kế toán kiêm giám sát cộng đồng; 01 thú y thôn kiêm trưởng nhóm đồng sở thích về chăn nuôi; 01 khuyến nông thôn kiêm trưởng nhóm đồng sở thích về trồng trọt; 01 y tế thôn kiêm trưởng nhóm sức khỏe – y tế – môi trường. Trưởng ban phát triển được toàn thể các hộ dân mỗi thôn đề cử và bỏ phiếu bầu ra tại cuộc họp thôn, được chính thức hóa bởi Quyết định của Ủy ban nhân dân xã. Đây là một cách làm mới, không giống như các Ban phát triển thôn trong xây dựng nông thôn mới hiện nay phổ biến gồm các cán bộ thôn nằm trong hệ thống chính trị cơ sở. Thành phần Ban phát triển thôn trong chương trình quan tâm đến những đối tượng làm công tác chuyên môn. Kết quả triển khai năm 2016 của chương trình đã chứng minh bộ máy Ban phát triển thôn theo cơ cấu mới giúp vận hành các hoạt động có hiệu quả hơn. Họ được người dân tin tưởng, trao quyền và là đầu mối để tiếp nhận các hỗ trợ từ chương trình cũng như các hoạt động phát triển khác. Sự gọn nhẹ và đảm bảo các thành phần giúp việc lập kế hoạch quan tâm được đầy đủ các nội dung, việc triển khai thực hiện các công việc được tiến hành nhanh chóng hơn. Tất nhiên, những kế hoạch và công việc cụ thể đều được Ban phát triển lấy ý kiến của cộng đồng. 

- Thứ hai, tăng cường năng lực cho Ban phát triển thôn là một quá trình và cần thực hiện bài bản, trực quan, gắn với thực tế công việc. Chương trình đã hợp đồng với Trung tâm Tư vấn chính sách nông nghiệp (CAP) thuộc Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, thực hiện các hoạt động nghiên cứu, biên soạn tài liệu, tổ chức tập huấn, thăm quan, diễn đàn thôn… Hoạt động này kéo dài trong suốt thời gian dự án chứ không phải diễn ra tập trung trong một vài ngày. Nội dung tập huấn đã được CAP biên soạn thành một bộ tài liệu dễ đọc, dễ hiểu, với nhiều hình ảnh minh họa, giúp Ban phát triển thôn có thể tiếp thu dễ dàng hơn. Quan trọng hơn, đối với cán bộ thôn, nội dung tập huấn không phải để phổ biến các văn bản chính sách mà tập trung vào hai chủ đề chính: (i) Nâng cao nhận thức; (ii) Nâng cao kỹ năng. Chương trình tập huấn được kết hợp với trình chiếu các bộ phim về kinh nghiệm Saemaul Undong, câu chuyện thoát nghèo từ những trường hợp cụ thể ở Hàn Quốc và ở chính Lào Cai, mời một số điển hình thành công trong tỉnh đến nói chuyện với học viên… Sau khi kết thúc lớp học tập trung, Ban phát triển 08 thôn tiếp tục được hướng dẫn thực hiện những công việc thực tế ở thôn. Nhờ đó, nhận thức, kỹ năng của mỗi thành viên được nâng cao và đáp ứng tốt các công việc phát triển cộng đồng.

- Thứ ba, cần phân cấp cho cấp xã trách nhiệm hỗ trợ các thôn về kỹ thuật sản xuất. Các nguồn lực và hoạt động hỗ trợ kỹ thuật sản xuất từ chương trình trong năm 2016 cho các thôn được thực hiện thông qua phối hợp với các đơn vị chuyên môn ở cấp tỉnh. Thực tế cho thấy các hỗ trợ về kỹ thuật và hướng dẫn theo cách “cầm tay chỉ việc” do cán bộ chuyên môn cấp tỉnh thực hiện chưa đạt kết quả như mong đợi. Một mặt do cán bộ tỉnh có những công việc chính thức và thường xuyên tại cơ quan của họ nên không đủ thời gian thường xuyên xuống hỗ trợ các thôn; mặt khác do khoảng cách xa, nhân sự không đủ để đảm nhiệm. Trong khi đó, cán bộ xã lại tỏ ra thực hiện có hiệu quả hơn các công việc theo dõi và hỗ trợ thôn. Cán bộ phụ trách chăn nuôi, thú y, trồng trọt, khuyến nông ở cấp xã được đào tạo đầy đủ và được phân cấp trách nhiệm (gắn với hưởng lợi từ thù lao của dự án) sẽ tạo động lực và thúc đẩy các hoạt động cải thiện sinh kế, xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi có hiệu quả hơn cho các thôn.

- Thứ tư, cần có các mô hình điển hình, chứng minh được hiệu quả, từ đó mới thu hút được cộng đồng làm theo. Hiểu rõ tập quán, tư duy của người dân, tại các thôn thí điểm chương trình tiếp tục chọn ra các hộ làm điểm để xây dựng các mô hình trình diễn. Chỉ khi người dân nhìn được tận mắt mô hình có hiệu quả thì họ sẽ làm theo, bởi nếu chỉ tuyên truyền, vận động thì cho dù người dân có hiểu nhưng vẫn sẽ thụ động chờ sự hỗ trợ. Do đó, chương trình đã xây dựng các mô hình chăn nuôi trâu, nuôi gà, nuôi lợn nái đen, trồng ngô, trồng lúa, mô hình “nhà sạch, vườn đẹp”, công trình nhà vệ sinh tự hoại, chuồng nuôi trâu bò… Theo báo cáo của Ban phát triển 08 thôn tại hội nghị tổng kết năm 2016, hầu hết các mô hình trình diễn đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp cho nhận thức của người dân được tăng lên, người dân hiểu được cần làm gì để cải thiện thu nhập, bảo vệ sức khỏe, gìn giữ môi trường. Từ sự thay đổi về nhận thức, bước sang năm 2017 các thôn sẽ chuyển sang hành động thông qua kế hoạch nhân rộng các mô hình thành công.

- Thứ năm, không hỗ trợ theo kiểu “cho không” mà chỉ cần hỗ trợ một phần, người dân phải đối ứng. Đây cũng là kinh nghiệm được tổng kết từ kết quả thực hiện của nhiều chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ khác. Trong Chương trình Hạnh phúc Lào Cai, mọi khoản hỗ trợ về sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng đều đòi hỏi có trách nhiệm tham gia đóng góp của người dân. Những người được nhận hỗ trợ có trách nhiệm đóng góp một phần tiền vào quỹ tiết kiệm của thôn. Quỹ này lại được sử dụng cho các hoạt động chung của cộng đồng. Sự công bằng, công khai, minh bạch đều được đảm bảo thực hiện thông qua các cuộc họp thôn do Ban phát triển thôn chủ trì. Nhờ được đào tạo tỉ mỉ các kỹ năng tổ chức, điều hành cuộc họp, kỹ năng diễn thuyết, kỹ năng xử lý mâu thuẫn, kỹ năng vận động người dân… nên đã tạo được sự đồng thuận cao trong cộng đồng. Một đặc điểm khác cũng cần được quan tâm là cho đến nay người dân đã thay đổi nhiều về nhận thức. Hầu hết các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số ở các thôn thí điểm đều không đòi hỏi có sự hỗ trợ 100% từ bên ngoài. Thay vào đó, các hộ chỉ cần được hỗ trợ lãi suất, từ đó họ có thể mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất. Điều này liên quan đến việc sử dụng ngân sách nông thôn mới trong giai đoạn tới, các địa phương có thể nghiên cứu các trường hợp cụ thể để có chính sách hỗ trợ lãi suất thay cho hỗ trợ trực tiếp bằng tiền hay vật tư sản xuất.

- Thứ sáu, phát triển cộng đồng thôn bản cần kết hợp giữa tác động cả về tinh thần và hành động. Đây cũng là bài học kinh nghiệm từ phong trào Saemaul Undong với tinh thần “cần cù, tự lực, hợp tác” và cách làm từ nhỏ đến lớn để tăng sự tự tin của người dân với khẩu hiệu: “chúng ta có thể làm được”. Chương trình Hạnh phúc Lào Cai đã vận dụng hiệu quả cách làm này tại các thôn thí điểm. Về tinh thần, chương trình đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt cộng đồng, kết hợp giữa tập huấn kỹ thuật với biểu diễn văn nghệ, lồng ghép với những nội dung truyền tải sự cần thiết phải thay đổi tư duy, nhận thức cho người dân. Về hành động, các nội dung thực hiện được triển khai đa dạng, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, cả về hạ tầng, sản xuất, tín dụng, môi trường… Các hoạt động cũng tiến hành từ những công việc dễ làm, dễ tổ chức, tiến dần đến những công việc phức tạp hơn.

- Cuối cùng và quan trọng nhất, đó là Ban phát triển thôn đóng vai trò quyết định nhất đối với kết quả thực hiện các hoạt động phát triển cộng đồng ở cấp thôn, bản. Tất cả các kinh nghiệm ở trên đều gắn với những hành động cụ thể trong hoạt động phát triển cộng đồng. Đối tượng tổ chức thực hiện những hành động đó là Ban phát triển thôn. Trong số 08 thôn thí điểm, có thể nhận ra thôn nào làm tốt hay chưa tốt đều phụ thuộc vào Ban phát triển thôn có năng lực tốt hay không (nghĩa là không phải do người dân trong cộng đồng hay do sự tác động, hỗ trợ từ cấp xã, dự án). Vì vậy, kinh nghiệm về thành lập Ban phát triển thôn và nâng cao năng lực Ban phát triển thôn là hai nội dung cần đặc biệt quan tâm. Khi thôn có bộ máy Ban phát triển tốt (cơ cấu gọn nhẹ, gắn với chuyên môn, được đào tạo bài bản) thì tất yếu các hoạt động phát triển thôn sẽ phát huy hiệu quả.

Tóm lại, một số bài học kinh nghiệm trên đây mới chỉ là những đúc kết ban đầu sau gần hai năm triển khai Chương trình Hạnh phúc Lào Cai. Chương trình còn tiếp tục diễn ra trong năm 2017 và dự kiến sẽ kết thúc vào Quý I năm 2018. Thực tế cho thấy không phải kinh nghiệm thành công nào của Saemaul Undong cũng có thể áp dụng phù hợp với đặc thù kinh tế, chính trị, xã hội Việt Nam hiện nay. Các bài học cụ thể sẽ cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có những giải pháp cụ thể hơn. Bên cạnh Chương trình Hạnh phúc Lào Cai, nhiều chương trình, dự án của các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ tại miền núi phía Bắc cũng có nhiều kinh nghiệm cần học hỏi. Song song với yêu cầu cải thiện sinh kế, phát triển hạ tầng, bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cho người dân khu vực miền núi phía Bắc, vấn đề phát triển cộng đồng thôn, bản gắn với du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh; thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm; đồng quản lý tài nguyên thiên nhiên; thích ứng với biến đổi khí hậu… đều là những nội dung cần có giải pháp chính sách đồng bộ trong thời gian tới.

 

Một số hình ảnh xây dựng nông thôn mới tại 08 thôn thí điểm:

Công trình đường liên gia thôn Sảng Mản Thẩn (xã Mản Thẩn, huyện Si Ma Cai)

Công trình thủy lợi thôn Nậm Mòn (xã Nậm Mòn, huyện Bắc Hà)

Tin tức

Đối tác

Video

Facebook

Nội bộ