Chống tham nhũng không được giơ cao đánh khẽ (01-03-2010 )
Ngày 20-10, kỳ họp thứ 6 Quốc hội (QH) khóa XII sẽ khai mạc tại Hà Nội. Trong bản tổng hợp ý kiến cử tri TP.HCM gửi đến kỳ họp QH, một nội dung được nhiều cử tri đặc biệt quan tâm là hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng (PCTN) trong thời gian qua. Nhiều ý kiến cho rằng sau ba năm Luật PCTN có hiệu lực, kết quả PCTN vẫn chưa đạt như mong đợi. Cử tri TP đề nghị trong kỳ họp này, QH phải mổ xẻ nguyên nhân để chỉ ra những giải pháp mạnh hơn nữa cho công tác này.
Cử tri Nguyễn Xuân Mậu, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1: Kiểm soát chặt tài sản cán bộ
Tôi mong kỳ họp này, các đại biểu QH quan tâm thảo luận vấn đề PCTN một cách quyết liệt hơn nữa. Các đại biểu phải chỉ rõ vì sao kết quả PCTN trong thời gian qua không đạt như mong muốn. Phải chăng quyết tâm chưa đủ mạnh, hay hệ thống pháp luật còn thiếu? Nạn tham nhũng đang hoành hành rất phức tạp. Đây chính là con sâu dễ làm rầu lòng tin của nhân dân đối với nhà nước, cần phải xử lý đến nơi đến chốn.
PCTN không là việc của riêng ai hay riêng cấp nào mà phải kiên quyết PCTN từ trung ương đến địa phương. Trong đó phải chú ý đến việc xử lý thật nghiêm, thật mạnh những trường hợp bị tố cáo, phát hiện có tham nhũng. Chứ xử lý còn nhẹ tay, chưa đích đáng theo kiểu giơ cao đánh khẽ, đưa cái búa thật to nhưng chỉ chặt một cành cây nhỏ cũng không gãy thì làm sao PCTN được.
Ngoài ra cũng cần rà soát thật chặt việc kê khai tài sản của lãnh đạo, cán bộ, công chức. Nhất là những người có chức, có quyền càng to, càng lớn thì càng cần phải kiểm soát được tài sản thì mới có thể phòng ngừa tham nhũng.
Đồng thời, quan tâm chú ý đến việc giáo dục đạo đức, phẩm chất cho cán bộ, công chức. Việc này phải thực hiện ngay từ khâu bầu bán, tuyển dụng làm sao để có thể gạn đục khơi trong, tuyển chọn cán bộ có tài, có đức và mạnh dạn loại ra khỏi bộ máy những cán bộ thiếu phẩm chất đạo đức.
Cử tri Trần Nguyễn Thanh Nga, phường 3, quận Gò Vấp: Luật có đủ, sao kết quả vẫn khiêm tốn?
Đã ba năm Luật PCTN có hiệu lực. Cùng với đó là một loạt văn bản về PCTN đã được ban hành như: Nghị quyết Trung ương 3 về PCTN, lãng phí; nghị định về kê khai tài sản cán bộ, công chức, về xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng... Chưa kể mới đây chúng ta cũng đã tham gia vào Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tham nhũng. Có thể thấy hệ thống pháp luật để PCTN của chúng ta không thiếu nhưng người dân vẫn không khỏi băn khoăn về kết quả rất khiêm tốn của công tác này.
Vừa rồi, thông tin qua báo chí tôi thấy những con số đáng báo động xung quanh kết quả PCTN: có tới 37% tội phạm về tham nhũng được hưởng án treo; tỷ lệ người dân tham gia tố giác, phát hiện tham nhũng càng ngày càng thấp...
Tôi mong rằng diễn đàn QH kỳ này phải thảo luận, đánh giá kết quả của công tác PCTN trong thời gian qua. Các đại biểu QH phải truy cho được tại sao pháp luật không thiếu, quyết tâm cũng thừa mà sao kết quả lại không như mong đợi? Tại sao người dân lại không mặn mà với việc tham gia phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng?...
Ông Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP: Làm tới cùng những vụ tham nhũng lớn
Nếu Đảng và nhà nước đã xem tham nhũng là quốc nạn rồi thì phải đấu cho tới nơi tới chốn, phải quyết tâm đi đến cùng những vụ án tham nhũng, nhất là những vụ án lớn. Về thực tiễn, tôi cho rằng còn một số vấn đề sau cần phải chú trọng làm quyết liệt hơn.
Thứ nhất là vấn đề công khai, minh bạch. Luật PCTN nêu rất rõ các lĩnh vực và cả phương thức công khai, minh bạch nhưng trong thực tiễn, việc minh bạch hiện nay còn rất hạn chế. Các thông tin có khả năng là “đất” cho tham nhũng nảy mầm chưa được công khai tới nơi tới chốn. Việc kê khai tài sản đối với viên chức nhà nước, nhất là giới lãnh đạo còn rề rà và chưa thực chất.
Thứ hai là cách tổ chức chống tham nhũng hiện nay làm cho hiệu quả của công tác này còn thấp. Phải xác định cho cụ thể chống tham nhũng là chống đối tượng nào. Nếu đã xác định là người có chức vụ, quyền hạn thì các đối tượng có khả năng tham nhũng nằm chủ yếu trong hệ thống chính quyền. Vậy nếu giao cho người đứng đầu chính quyền địa phương nắm luôn vị trí trưởng ban chỉ đạo PCTN là rất khó phát huy hiệu quả. Điều này đã được ý kiến nhiều lần nhưng dường như không được quan tâm đúng mức. Tôi nghĩ cái này nên giao về cho QH và các đoàn thể, MTTQ,... Hiện nay, vai trò của đoàn thể, Mặt trận trong công tác này còn rất mờ nhạt.
Thứ ba là cần phải tạo điều kiện cho người dân tham gia vào trận địa này, vì công tác PCTN không phải chỉ là việc của nhà nước. Điều này cũng đã được nhắc đến nhiều nhưng khó nhất là cơ chế bảo vệ cho người tố giác tham nhũng. Luật thì cũng nói rất rõ nhưng thực tế thì người tố giác vẫn bị trù dập, trả thù... Nếu không quyết liệt bảo vệ người dân đấu tranh thì sẽ rất khó đạt hiệu quả cao trong công tác này. Phải tạo điều kiện hơn nữa cho báo chí; bản thân báo chí cũng phải mạnh dạn hơn nữa để phát hiện và diệt trừ tham nhũng.
Nếu cần thiết thì phải thay đổi cách tổ chức chống tham nhũng. Cơ quan phụ trách vấn đề này phải có vị trí độc lập nhất định. Và một khi đánh giá có tình trạng nghiêm trọng thì phải có ủy ban đặc biệt phụ trách vấn đề này.
Kỹ sư Phan Phùng Sanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Khoa học kỹ thuật xây dựng TP.HCM: Lãng phí kho bãi phải lên bàn nghị sự
Qua thông tin mà Đoàn đại biểu QH TP.HCM đi giám sát gần đây cho thấy có đến 116 triệu m2 đất kho bãi, mặt bằng tại hơn 10.000 địa chỉ trên địa bàn TP sử dụng không hiệu quả, lãng phí. Đây là con số quá lớn! Trong kỳ họp này, các đại biểu truy đến cùng việc này là cần thiết.
Tuy nhiên, theo tôi, vấn đề quan trọng hơn là việc sử dụng các kho bãi, mặt bằng này làm sao cho hiệu quả nhất. Các bên có thể ngồi lại với nhau để cùng hiệp thương, tính toán. Nếu thấy cần thiết cho công trình, dự án nào thì cùng nhau làm. Không được thì trả lại, giao cho đơn vị khác sử dụng có hiệu quả hơn. Chứ đặt vấn đề thu hồi lại tất cả là rất khó, vì đằng nào thì đó cũng là tài sản của nhà nước./..
Theo Pháp luật TPHCM
|